Đây là nội dung được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin tại cuộc họp báo thông tin kết quả 6 tháng đầu năm của NHNN vừa diễn ra.
Ông Tú cho biết, nếu như cả năm 2022, NHNN tăng 2 lần lãi suất điều hành thì sang năm 2023 đã điều hành giảm 4 lần. Cụ thể, từ tháng 3/2023, sau khi nhận thấy dấu hiệu tích cực kinh tế, NHNN nhanh chóng giảm lãi suất. Gần đây, ngày 16/6, lần thứ 4, NHNN giảm lãi suất điều hành. Đó là những biện pháp cụ thể, trực tiếp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay.
Theo ông Tú, tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Đặc biệt, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, mức 3,36% thấp nhưng cũng do tính khách quan của nền kinh tế nhu cầu vốn thấp. NHNN cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng, mà tăng phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng. NHNN cũng xác định, việc tăng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Ông Tú cho biết, trước nguồn vốn thị trường đang khó khăn như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chưa khôi phục nhanh và còn đang khó khăn. Vì vậy, trách nhiệm cung ứng nguồn vốn của ngân hàng càng nặng nề.
“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng cũng mong như vậy, Nhưng để giải quyết vấn đề này phải hài hoà và tạo sự cân bằng giữa khả năng vay và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điểm cân bằng này là vai trò của nhà nước”, lãnh đạo NHNN nói.
Theo lãnh đạo NHNN, một số doanh nghiệp kỳ vọng hơn nữa về giảm lãi suất và làm thế nào giải quyết tích cực hơn. Đây nhiệm vụ được xác định trong 6 tháng tiếp theo của NHNN.
Giải thích vấn đề này, Phó Thống đốc cho biết, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng đầy đủ và sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề hấp thụ vốn chậm bởi cả tính khách quan và chủ quan của cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Trước những thắc mắc liên quan đến việc lãi suất cho vay vẫn còn cao, Phó Thống đốc cho rằng, khi giảm lãi suất điều hành phải có độ trễ nhưng trong điều kiện khó khăn của doanh nghiệp, ngân hàng phải làm sao đẩy nhanh hơn. Đây là mong muốn của cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đang lúc khó khăn, các ngân hàng nên chia sẻ, lấy khoản này bù khoản khác cho doanh nghiệp.
Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).
Ngoài ra, ông Đào Minh Tú cũng cho biết, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Từ tháng 3 đến tháng 6, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm
Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).