*Đây là bài viết thể hiện quan điểm của ông Takatoshi Ito, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản. Ông là giáo sư Trường Quan hệ Công và Quốc tế tại Đại học Columbia. Ông cũng là giáo sư cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo.
Tin tức về nền kinh tế Trung Quốc gần đây gợi lên cảm giác khó bất lực như khi bong bóng đất động sản Nhật Bản vỡ năm 1991-1992. Khó khăn của lĩnh vực nhà đất Trung Quốc đang là một phần của sự đình trệ và giảm phát, giống như Nhật Bản 30 năm về trước. Liệu lịch sử có lặp lại?
Đầu tháng 8/2023, nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, với hy vọng tái cơ cấu nợ bằng đồng USD. Tiếp theo, nhà phát triển bất động sản Country Garden đã bỏ lỡ hạn thanh toán 22,5 triệu USD trái phiếu nước ngoài và trì hoãn 11 lô trái phiếu trong nước.
Đây không chỉ là vấn đề của một ngành. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc lâu nay vốn là động lực tăng trưởng GDP. Nhưng hiện lĩnh vực này đang chịu áp lực giá cả giảm, số lượng nhà và văn phòng dư thừa lớn và các nhà phát triển gánh nhiều khoản nợ. Một vụ vỡ bong bóng dường như luôn chực chờ.
Tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong giai đoạn từ giữa thập niên 70 đến 80, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Nhật Bản là 4-5%. Sau khi bóng bóng bất động sản vỡ, tăng trưởng GDP sụt còn 0-2%. Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa lấy lại được phong độ như trước.
Trung Quốc đã trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại rõ rệt. Mặc dù việc một nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên là điều bình thường, nhưng tốc độ chậm lại của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 rất đáng lưu tâm. Trong quý hai năm nay, GDP quý chỉ tăng 0,8%, thấp hơn so với quý đầu là 2,2%.
Chắc chắn rằng mức tăng trưởng quý 2 lên tới 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Trung Quốc đang mờ nhạt dần. Lạm phát giảm càng làm cho triển vọng này trở nên u ám hơn, vì giảm phát có thể xảy ra.
Những khó khăn của Trung Quốc một phần có thể là do nước này duy trì chính sách phòng chống dịch Covid-19 lâu hơn. Nhưng tình trạng đầu tư suy giảm cũng góp một phần không nhỏ. Các nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Trung Quốc cũng giảm nhanh.
Nhân khẩu học suy giảm cũng là một trong những nguyên nhân gây lo ngại. Nhật Bản có thể là một ví dụ. Dân số trong độ tuổi lao động mà giảm sẽ gây áp lực tài chính và xã hội. Chi phí lương hưu tăng vọt. Các ngành sử dụng nhiều lao động, bao gồm cả y tế và chăm sóc dài hạn, sẽ bị thiếu hụt nhân lực.
Với chính sách kiểm soát sinh sản trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học nhanh hơn nhiều so với Nhật Bản. Mặc dù nước này đã mở rộng các biện pháp bảo vệ an sinh xã hội, nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để đối phó thách thức nhân khẩu học phía trước.
Hai yếu tố chỉ có ở Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thứ nhất, phần lớn đầu tư bất động sản được thực hiện thông qua các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV). Họ là bên mua lớn nhất đối với những dự án bất động sản dang dở. Khoản nợ LGFV nắm giữ vào cuối năm 2022 ước tính lên tới 57 nghìn tỷ nhân dân tệ (7,8 nghìn tỷ USD), tương đương 42% GDP.
Vì vậy, nếu bong bóng bất động sản vỡ, chính quyền địa phương sẽ phải chịu cảnh nợ nần trầm trọng. Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể bị giáng một đòn đau. Để giảm thiểu rủi ro, chính quyền trung ương đã uỷ quyền cho các địa phương phát hành trái phiếu riêng, nguồn thu từ đó được dùng để trả nợ.
Yếu tố thứ hai chỉ có ở Trung Quốc là 4 ngân hàng lớn nhất đều thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy, ngân hàng trung ương và chính phủ luôn có thể can thiệp để cung tiền và ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng.
Nếu bong bóng bất động sản vỡ, các ngân hàng và chính phủ Trung Quốc phải tránh những sai lầm mà Nhật Bản đã mắc phải ba thập kỷ trước. Đầu tiên, họ phải công bố đầy đủ và kịp thời các khoản nợ xấu. Và ở đâu cần bơm vốn, họ cần phải cung cấp nhanh chóng.
Nếu Trung Quốc không giải quyết được những rủi ro chồng chất trong nền kinh tế, nước này sẽ khó tránh khỏi một thời kỳ đình trệ và giảm phát kiểu Nhật Bản. Và lần này, cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Tham khảo Project Syndicate