Tại Hà Nội, đại diện Sở Công Thương cho biết, việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đã hoàn tất. Ước tính tổng giá trị hàng hóa Tết đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái. Các doanh nghiệp tại TP.HCM đã chuẩn bị hơn 30.000 tấn hàng hóa, tăng 15 - 30% so với năm 2021. Trong đó, hàng hóa của doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25 - 43%. Các doanh nghiệp này cũng cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước Tết và sau Tết.
Dè dặt dự đoán sức mua
Dự đoán tổng lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã chuẩn bị kỹ, tính toán dự trù nguồn hàng từ các trang trại. Một số doanh nghiệp thực phẩm cho biết, họ đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 250 - 300% để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu, các nhà phân phối cũng dự đoán và chuẩn bị đa dạng thêm các chủng loại thường được tiêu thụ nhiều dịp Tết Nguyên đán.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết tác động của các yếu tố tỷ giá, xăng dầu... đang ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của doanh nghiệp ngành thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nỗ lực kìm giá cho đến khi không chịu nổi mới phải điều chỉnh. “Hàng hóa Tết đa dạng, sản lượng khá dồi dào, được chăm chút về mẫu mã, bao bì... do đây là mùa kinh doanh lớn nhất trong năm của các doanh nghiệp ngành thực phẩm”, bà Chi cho biết.
Trong khi các nhà sản xuất và cung ứng đang lên kế hoạch dự trữ hàng hóa thì các hệ thống bán lẻ cũng bước vào “cuộc đua” bán hàng Tết. Triển khai chương trình khuyến mại Tết từ ngày 8/12, đồng thời đưa lên kệ mẫu giỏ quà Tết, Saigon Co.op ước tính, năm nay hệ thống này sẽ tuyển từ 1.000 - 2.000 nhân sự thời vụ để phục vụ những ngày cao điểm. Tương tự, phía hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng đã lên kế hoạch trưng bày hàng Tết từ ngày 15/12 để người tiêu dùng linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm. Các siêu thị như Coopmart, Winmart… cũng tung ra nhiều chính sách giảm giá nhiều mặt hàng Tết.
Tuy nhiên, các siêu thị đều “nín thở” chờ đợi sức mua của người dân. Điều mà nhiều nhà bán lẻ lo lắng là biến động thị trường từ cuối quý 3 đến nay. Sức mua đang có dấu hiệu chững lại, cùng với thông tin người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm... Do đó, các nhà sản xuất và phân phối sẽ phải đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, thậm chí nhiều nhóm hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm đảm bảo kế hoạch tiêu thụ đề ra trước đó.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. “Ảnh hưởng kinh tế chung khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể. Ước tính sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Vissan 9 tháng đầu năm 2022 giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ. Vì thế, để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy tình hình mua sắm của người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay vẫn chưa tăng cao. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt nhận định sức mua thị trường Tết năm nay vẫn là một “ẩn số” khi người lao động chưa biết tình hình lương, thưởng ra sao. “Chúng tôi không lo vì nguồn cung sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào, doanh nghiệp đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là sức mua của người tiêu dùng năm nay”, ông Thiện chia sẻ.
Phục vụ thị trường Tết, Công ty CP Dầu thực vật Tường An đã phát triển cả 3 phân khúc phổ thông, trung và cao cấp tùy thuộc đặc trưng của từng khu vực và đặt mục tiêu sản lượng tăng 15% so với Tết 2022. Nhận định người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong chi tiêu dịp Tết 2023, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An cho biết, trước những biến động của nền kinh tế thế giới cùng tác động của thị trường trong nước, những sản phẩm thiết yếu sẽ được người dân cân nhắc nhiều hơn để mua sắm...