Dấu hiệu hồi phục của thị trường?
Tại Hà Nội, theo khảo sát, trái với bức tranh có phần ảm đạm và lác đác giao dịch xuất hiện ở thời điểm trước và ngay sau Tết Nguyên đán, đến thời điểm hiện tại, tại phòng công chứng, lượng khách đến ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng mạnh. Theo chia sẻ của của nhân viên tại phòng công chứng ở Gia Lâm, lượng hồ sơ tăng gấp 2-3 lần so thời điểm trước Tết Nguyên Đán. Lượng giao dịch tập trung chủ yếu phân khúc đất nền với tầm giá dưới 3 tỷ và chung cư trên 1,3 tỷ đồng.
Không chỉ ở các phòng công chứng tại Gia Lâm, mà tại Văn phòng đăng ký đất đai, ở bộ phận xếp hồ sơ làm sổ đỏ, nhiều môi giới cho biết, họ phải đến sớm tránh trường hợp xếp hàng quá dài.
Diễn biến này xảy ra tương tự tại Đà Nẵng. Một văn phòng công chứng trên đường 2 tháng 9 ghi nhận tình trạng lượng khách đến kỳ chuyển nhượng mua bán bất động sản tăng đột biến.
Trước đó, tại phòng công chứng đất đai thuộc quận 9 ở TPHCM, nữ nhân viên còn chia sẻ, không có thời gian đứng dậy đi ăn cơm trưa khi hồ sơ mua bán nhà đất bỗng tăng từ 30-40% so với năm 2022.
Theo chia sẻ của một số đơn vị môi giới bất động sản, tỷ lệ khách hàng chốt thành công trong các đợt mở bán cũng gia tăng. Một nhân viên của Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trước đó vào cuối tháng 3, một dự án ở Hà Nội mở bán lần đầu ghi nhận hết giỏ hàng chỉ trong ngày. Tín hiệu khách hàng quan tâm đến sản phẩm gia tăng. Kịch bản này trái ngược với tâm diễn biến thanh khoản túc tắc ở thời điểm năm 2022.
Nhận định của một số nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, tỷ lệ thanh khoản tốt của thị trường diễn ra tại một số khu vực và dự án đang là tín hiệu cho thấy thị trường địa ốc đang hồi phục.
Anh Trần Ngọc (lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội) cho rằng: “Nhìn chung trên thị trường, thanh khoản tổng có thể vẫn còn thấp, nhưng đó là so với thời điểm “sốt”, “ấm” giai đoạn trước. Nhưng nếu so thời điểm kể từ tháng 5/2022-2/2023, thị trường đã có diễn biến khác, dù xảy ra cục bộ ở phân khúc có tầm tiền hợp lý, đáp ứng nhu cầu ở thực và tích sản của nhà đầu tư. Và đặc biệt, giao dịch xảy ra chủ yếu với bất động sản đã giảm giá. Đây sẽ là tín hiệu giúp tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, người mua nhà ở thực tự tin hơn trong quyết định xuống tiền”.
Triển vọng lạc quan của thị trường địa ốc
Trong một báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, dù thừa nhận thị trường đang còn bức tranh trầm lắng nhưng tín hiệu lạc quan, tích cực đã xuất hiện. Điển hình như giá bất động sản đã có sự điều chỉnh để về mức giá phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực.
Với các phân khúc bất động sản, không phải mọi phân khúc đều khó khăn. Đơn cử như phân khúc bất động sản công nghiệp. Ngoài ra thị trường cũng đón nhận tín hiệu tích cực từ hoạt động M&A diễn ra sôi nổi với nhiều triển vọng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự đoán bước sang quý II, thị trường còn nhiều bệ đỡ để tăng trưởng trở lại. Đầu tiên là những văn bản pháp luật được ban bàn hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng ngàn dự án đang “đắp chiếu" chờ đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới.
Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, ban hành các chính sách đúng và trúng vào các điểm nghẽn, liên tục tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại.
Cùng với đó, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh hợp lý, tiệm cận với khả năng của những người có nhu cầu thực. Có thêm hàng, có dòng tiền, doanh nghiệp có thêm vốn từ các kênh huy động khác, thị trường sẽ có thêm những khởi sắc.
Với loạt động thái tích cực tháo gỡ khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường cũng gia tăng. Đây chính là động lực góp phần “rã băng” bất động sản.