Đà phục hồi của VN-Index chiều nay vẫn do nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt, nhưng tạo được sức lan tỏa rất rộng. Trong toàn bộ 30 mã của rổ VN30, trừ PLX đã kịch trần sẵn và BID tụt nhẹ, tất cả số còn lại đều tăng rất tốt so với phiên sáng. Dù các mã vốn hóa hàng đầu như VCB, VIC cải thiện giá yếu nhưng sức mạnh ở nhóm còn lại đều rất ấn tượng.
Tuy sức ảnh hưởng điểm số kém nhưng BVH chiều nay là cảm hứng rất đáng kể. Chốt phiên sáng cổ phiếu này “làng nhàng” tăng 0,72%, đột nhiên khi bước vào phiên chiều xuất hiện lực cầu cực mạnh tăng dựng đứng. Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, BVH tăng vọt lên kịch mức trần +6,95%. Sau đó cổ phiếu này dù có bị xả và giá tụt xuống một chút, đóng cửa vẫn tiếp tục giữ được giá cao nhất. Tổng thanh khoản cả ngày của BVH lên tới gần 2,69 triệu cổ tương đương 117,3 tỷ đồng, trong đó riêng phiên chiều khớp 107 tỷ. Đây là ngưỡng thanh khoản cao kỷ lục 20 tháng ở mã này.
Nhóm bảo hiểm mà đại diện là BVH cũng đồng loạt gây bất ngờ. BMI, MIG cũng đồng loạt tăng kịch trần. BIC tăng 4,84%, PVI tăng 3,58%, ABI tăng 3,25%, VNR tăng 2,43%, PGI tăng 1,24%, PRE tăng 1,06%...
Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng lại không hưng phấn như vậy. Dù nhóm này cải thiện đáng kể so với phiên sáng khi đã có 17/27 mã đảo chiều xanh nhưng chỉ vài mã tăng đáng kể là STB tăng 1,96%, ACB tăng 1,79%, EIB tăng 1,65%, HDB tăng 1,44% và VPB tăng 1,09%. Nhóm chứng khoán cũng tích cực chủ đạo ở những công ty nhỏ. BVS, TCI, VDS, ORS, DSC tăng được hơn 2%.
Trong 10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN-Index hôm nay, trừ HVN, còn lại toàn các mã trong rổ VN30. Chỉ số đại diện rổ này đóng cửa cũng tăng 1,03% trong khi Midcap tăng 1,01%, Smallcap tăng 0,72% và VN-Index tăng 1,11%. Độ rộng rổ blue-chips đảo ngược so với buổi sáng, ghi nhận 25 mã tăng/5 mã giảm, với 16 mã tăng trên 1%. Nhóm này lấy lại được sức mạnh đã tạo ảnh hưởng lan tỏa rất tốt.
Độ rộng của VN-Index lúc đóng cửa là 278 mã tăng/152 mã giảm, khác hẳn so với buổi sáng (149 mã tăng/265 mã giảm). Điều này cho thấy cổ phiếu đã có diễn biến phục hồi giá trên diện rộng. Dĩ nhiên vẫn là cổ phiếu trụ đi trước, cổ phiếu nhỏ theo sau, nhưng kết quả vẫn là giống nhau. Thống kê cho thấy sàn HoSE cuối phiên có tới 130 mã tăng hơn 1% trong đó 8 mã kịch trần. Thanh khoản của nhóm tăng tốt nhất này chiếm tới 52% tổng giá trị khớp của sàn, thể hiện sức mạnh dòng tiền có hiệu quả tích cực.
Một thống kê khác cũng cho thấy rõ điều này: VN-Index có 64 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên – chiếm 80% giao dịch sàn HoSE – thì 54 mã tăng, với 38 mã tăng hơn 1%. Nếu không có dòng tiền hưng phấn đẩy giá lên thì thanh khoản không thể duy trì tốt như vậy và kéo dãn biên độ giá theo hướng đi lên.
Dù vậy nhìn tổng thể thì thanh khoản hôm nay của HoSE và HNX không tăng mà còn giảm khoảng 15% so với phiên trước, đạt 23.013 tỷ đồng khớp lệnh. Nếu tính tổng 3 sàn cả thỏa thuận, giao dịch giảm 19%. Phiên chiều là thời gian nhịp tăng tốt nhất diễn ra, thanh khoản thậm chí sụt giảm 2,8% so với phiên sáng. Như vậy có thể đã xuất hiện hiệu ứng giảm bán.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng gây ấn tượng khá mạnh khi cũng tích cực mua vào buổi chiều. Phiên sáng khối này bán ròng tới gần 504,9 tỷ đồng nhưng chiều nay mua ròng 571,3 tỷ đồng. Như vậy vị thế cả phiên lại thành +66,5 tỷ. Mặc dù vị thế tổng là trung tính nhưng giao dịch vẫn sôi động ở một số mã. Bên mua ròng có DBC +99,7 tỷ, MWG +80 tỷ, HPG +79,1 tỷ, PC1 +77,5 tỷ. Phía bán có FPT -187,2 tỷ, VHM -81,5 tỷ, VND -67,6 tỷ.
VN-Index chốt phiên hôm nay đạt 1281,03 điểm, đã san bằng mức giảm của hai phiên liền trước. Điều này mở lại hi vọng chỉ số tiếp tục tích lũy trong vùng đỉnh cũ tháng 3/2024. Diễn biến phục hồi giá của nhóm blue-chips là điểm tựa khá mạnh mẽ vì nhóm này vốn điều chỉnh sớm hơn cả. Tuy nhiên mức thanh khoản sụt giảm khá nhiều của rổ VN30 (-19%) cho thấy dòng tiền vẫn chưa mạnh thêm.