Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã giải khá thành công "bài toán" lựa chọn giữa ổn định tỷ giá hay ổn định lãi suất, hoặc giữa kiềm chế lạm phát hay phát triển kinh tế là việc rất khó khăn. Tuy nhiên, sang năm 2023, bài toán này lại thêm nhiều "dữ kiện" mới cần được giải quyết.
Nhiều dự báo lãi suất điều hành tiếp tục tăng
Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu.
Bên cạnh đó, mặc dù thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.
Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2%, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản. Dựa trên các yếu tố bất lợi đã đề cập, MiraeAsset cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.
Về lãi suất, nhóm nghiên cứu của Mirae Asset đánh giá, mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Hơn nữa, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.
"Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý 4/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn", nhóm nghiên cứu tại Mirae Asset nhận định.
Chung quan điểm, Công ty chứng khoán Tienphong (TPS) cho hay, trong thời gian tới, ngoài yếu tố thâm hụt cán cân vãng lai, thì các hành động của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất của Mỹ và yếu tố lạm phát trong nước sẽ có tác động khá lớn tới sự điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù Fed đã bày tỏ quan điểm sẽ giảm tốc tăng lãi suất trong thời gian tới, tuy nhiên, quyết định của Fed còn phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và xu hướng dịch chuyển nhà máy từ khu vực châu Âu sang Mỹ sẽ là yếu tố gây khó khăn cho Fed trong việc kiểm soát lạm phát và giảm tốc tăng lãi suất trong năm tới.
Về bối cảnh trong nước, mặc dù cán cân vãng lai đã được cải thiện, nhưng cân tổng thể thâm hụt rất lớn ở quý 3-2022 và khả năng cán cân vãng lai và cán cân tổng thể tiếp tục thâm hụt ở quý 4 vẫn có thể xảy ra. Một yếu tố quan trọng nữa là, lạm phát cơ bản bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 10 và vượt qua lạm phát chung.
Điều này cho thấy, lạm phát đang bắt đầu lan tỏa tới hầu hết các ngành trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành giáo dục, ăn uống và vật liệu xây dựng… Bên cạnh đó, giá điện tăng cũng sẽ tiếp tục gây áp lực cho lạm phát từ giờ tới năm sau.
“Vì vậy, điều chỉnh giá xăng không còn là công cụ hiệu quả cho các nhà điều hành kiểm soát lạm phát. Sắp tới, khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là rất cao. Năm 2023, Fed có thể có 2 đến 3 lần tăng lãi suất, tức là Ngân hàng Nhà nước có khả năng cũng phải tăng lãi suất điều hành thêm 2 – 3 lần, trung bình mỗi lần khoảng 1%. Đỉnh lãi suất điều hành có thể sẽ rơi vào giữa quý 2/2023, với mức tăng từ 2 - 3 điểm phần trăm so với mức lãi suất điều hành hiện tại”, nhóm nghiên cứu của TPS nhận định.
Không chỉ các chuyên gia trong nước, các tổ chức quốc tế cũng dự báo lãi suất điều hành sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, chuyên gia của HSBC đưa ra nhận định, lạm phát lõi tăng, giá nguyên liệu thô cũng tăng, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm phần trăm trong quý 1/2023 và quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.
Tương tự, Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào quý 1/2023, sau đó giữ nguyên đến cuối 2024 nhằm duy trì sự ổn định.
Vẫn có quan điểm ngược lại
Trái với các quan điểm trên, trong báo cáo chiến lược năm 2023 mới được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tính đến đầu tháng 12/2022, lãi suất huy động bình quân đã tăng từ 2,0-2,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 và cao hơn 0,6 – 1,2 điểm phần trăm so với trước Covid-19. Mức tăng cao nhất là ở các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Theo đó, VDSC cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến trong nền kinh tế hiện đang tiệm cận về mức lãi suất của năm 2013. Trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023.
Bởi lẽ, chính sách tiền tệ của Việt Nam là chính sách đa mục tiêu, có những cặp mục tiêu là song hành (tỷ giá và lạm phát) nhưng cũng có những mục tiêu xung đột (tỷ giá và lãi suất).
Năm 2022, ưu tiên của chính sách tiền tệ là kiềm giữ đà tăng của tỷ giá trước áp lực từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh, kiềm chế lạm phát hầu như là thông điệp xuyên suốt. Từ quý 4/2022, ưu tiên bắt đầu chuyển sang việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống và kiểm soát cuộc đua lãi suất huy động.
Do đó, năm 2023, VDSC nhận định ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng).
Và để thực hiện các mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.
''Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023'', VDSC cho biết.