Vài tháng qua, Phố Wall vẫn kỳ vọng rằng Fed có thể thực hiện một cuộc “hạ cánh mềm” hoặc kịch bản về việc nền kinh tế tránh được một cuộc suy thoái sâu sắc. Những dấu hiệu về khả năng hồi phục của nền kinh tế và lạm phát đang dần hạ nhiệt đã giúp trái phiếu và tài sản rủi ro như cổ phiếu tăng giá mạnh vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, một loạt các số liệu mới công bố gần đây khiến giới đầu tư hướng đến kịch bản “không hạ cánh”. 2 chỉ số lạm phát được công bố vào tuần trước cho thấy giá tiêu dùng và sản xuất đều tăng cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế trong tháng 1. Doanh số bán lẻ cũng ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất trong gần 2 năm.
Ngoài ra, thị trường lao động vẫn đang nóng lên. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 53 năm vào tháng 1, trong khi các nhà tuyển dụng tạo ra hơn nửa triệu việc làm cho nền kinh tế.
Thông thường, số liệu kinh tế khả quan sẽ là tin tốt lành cho thị trường. Song, nhà đầu tư hiện đã cân nhắc hầu hết mọi thứ trong năm qua thông qua khía cạnh những con số đó có thể ảnh hưởng thế nào đến lộ trình điều chỉnh lãi suất của Fed. Họ đang ngày càng lo ngại rằng nếu nền kinh tế Mỹ vẫn tăng quá nóng, thì Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn và duy trì ở mức đó trong thời gian dài hơn dự đoán. Theo đó, một cuộc suy thoái mạnh sẽ có khả năng xảy ra và gây nhiều tổn thất cho thị trường.
Michael Farr – chủ tịch công ty quản lý đầu tư Farr, Miller & Washington, nhận định: “Dù Fed có tăng lãi suất thêm bao nhiêu thì số liệu kinh tế vẫn không bị lay chuyển.”
Ông đang lo ngại về việc nhiều nhà đầu tư vẫn quá tin tưởng rằng Fed có thể nhanh chóng kiểm soát lạm phát – vốn vẫn ở mức cao hơn so với trước đại dịch, đồng thời không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo ông, những động thái trước đây của Fed chưa thực sự có hiệu quả trong việc tạo ra cuộc “hạ cánh mềm” và điều chỉnh lạm phát.
Trong những ngày tới, nhà đầu tư sẽ xem xét biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed, cũng như số liệu về doanh số bán nhà hiện tại và chi tiêu tiêu dùng cá nhân.
Những số liệu được công bố trong vài tuần qua càng khiến nhiều người dự đoán Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn đáng kể so với dự đoán ban đầu.
Steven Englander – trưởng bộ phận nghiên cứu G10 FX tại Standard Chartered, đã tăng dự báo về lãi suất chuẩn của Fed vào tuần trước lên mức cao nhất là 5,25%, trong khi dự báo trước đó là 4,75%. Nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Deutsche Bank – Matthew Luzzetti, cũng điều chỉnh dự báo của mình về mức cao nhất với lãi suất chuẩn là 5,6% vào tháng 7.
Các trader trái phiếu cũng đang ước tính lãi suất sẽ ở mức cao hơn. Giao dịch trên thị trường phái sinh cũng cho thấy trader kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 5,25% vào tháng 8, theo FactSet. Ngược lại, vào khoảng đầu tháng này, mức trung bình được dự đoán là khoảng 4,88% vào tháng Sáu.
Brett Ryan – chuyên gia kinh tế cấp cao của Mỹ tại Deutsche Bank, cho biết: “Mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn chắc chắn sẽ khiến các tài sản rủi ro sụt giá và làm tăng nguy cơ suy thoái.”
Suy thoái kinh tế xảy ra có thể sẽ là tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bank, S&P 500 đã giảm trung bình 24% trong các cuộc suy thoái kể từ năm 1946.
Song, thị trường hiện vẫn chưa phản ánh mối rủi ro như vậy. Englander cho biết các nhà đầu tư dường như vẫn đang “bấu víu” vào quan điểm về việc lạm phát sẽ được kiểm soát hiệu quả, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ.
Một số nhà kinh tế cho rằng Fed vẫn có thể tránh được suy thoái dù cơ hội là “ít”. Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cho hay: “Sau khi không thể hạ cánh, thì vẫn có thể hạ cánh nhẹ nhàng. Tất cả phụ thuộc vào thời điểm và tốc độ mà nền kinh tế phản ứng trước mức lãi suất cao hơn.”
Về những “tin dữ” cho thị trường, ông Slok cho biết trong khi những phần nhạy cảm của nền kinh tế, như nhà ở và ô tô, đã tăng giá chậm lại đáng kể thì hoạt động trong lĩnh vực du lịch vẫn diễn ra sôi nổi. Đây là điều quan trọng vì dịch vụ chiếm khoảng 80% tổng GDP. Ông nói thêm, lạm phát và chính sách của Fed vẫn là những rủi ro chính với cả thị trường nợ và chứng khoán.