Các nhà giao dịch trái phiếu đang có sự thay đổi lớn trong kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Theo đó, họ giảm đặt cược vào việc Fed sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất, và sự thay đổi này diễn ra sau loạt số liệu công bố gần đây cho thấy nền kinh tế vẫn vững vàng và lạm phát còn cao dai dẳng.
Cách đây hơn 2 tuần, các nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ tương lai còn đặt cược nhiều vào khả năng lãi suất có thể giảm về mức 4,2% vào cuối năm nay, từ mức 5-5,25% hiện nay, đồng nghĩa với việc sẽ có 3-4 lần cắt giảm lãi suất trong nửa sau của năm. Giờ đây, họ cho rằng sẽ chỉ có tối đa hai lần giảm lãi suất, và lãi suất tham chiếu của Fed sẽ ở ngưỡng 4,7% vào cuối năm.
Dịch chuyển kỳ vọng trên thị trường đưa nhà đầu tư xích lại gần hơn với thông điệp nhất quán từ Fed rằng họ không có kế hoạch sớm giảm lãi suất giữa lúc lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Tuy nhiên, dịch chuyển đó cũng cho thấy tình trạng bấp bênh cao độ quanh việc thị trường sẽ đi về đâu - theo tờ báo Financial Times.
“Nếu bạn đang cảm thấy băn khoăn về triển vọng kinh tế vĩ mô, thì điều quan trọng là bạn phải biết rằng bạn không phải là người duy nhất có cảm giác đó”, nhà phân tích Dario Perkins thuộc công ty TS Lombard nhận định trong một báo cáo.
“Một cuộc suy thoái kinh tế sâu kiểu kinh điển có thể giúp giải quyết nhiều mối căng thẳng trong số này và mang đến một chút sáng tỏ cho triển vọng kinh tế. Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sự mơ hồ còn tiếp diễn trong một thời gian dài hơn, với một môi trường vĩ mô toàn cầu còn tiếp tục gây hoang mang cho cả các nhà đầu cơ giá lên và giá xuống”.
Những luồng thông tin trái ngược khiến nhà đầu tư ''nhiễu sóng''
Từ khi một loạt ngân hàng khu vực Mỹ sụp đổ trong năm nay, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ sập Silicon Valley Bank (SVB), thị trường tài chính đã kỳ vọng một cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra và dẫn tới suy thoái kinh tế Mỹ, từ đó buộc Fed phải chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Cùng với đó, lạm phát ở Mỹ tiếp tục dịu đi, với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm tốc về 4,9% trong tháng 4, từ mức đỉnh 9,1% thiết lập vào tháng 6 năm ngoái. Kết hợp sự hạ nhiệt của lạm phát với sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực, nhiều nhà đầu tư tin đó chính là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ sớm bắt đầu đảo ngược chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hiếm thấy trong lịch sử đã kéo dài 14 tháng của Fed.
Tuy nhiên, chính Fed chưa bao giờ “đồng cảm” với góc nhìn đó của thị trường. Trong mấy tuần gần đây, một loạt quan chức Fed lên tiếng nhắc nhở các nhà giao dịch rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới tới hồi kết. Thị trường lao động của Mỹ vẫn thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức thấp nhất 54 năm. Hồi đầu tháng 5, đã có tuần số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tăng vọt, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, đó chủ yếu do tình trạng gian lận.
Rốt cục, thị trường trái phiếu đang mắc kẹt giữa những dòng thông tin trái chiều này.
“Dòng chảy dữ liệu gần đây đã tốt lên một chút. Lúc đầu, mọi người lo lắng khi số liệu về trợ cấp thất nghiệp, nhưng rồi thấy rằng đó là do gian lận ở Massachusetts. Thất nghiệp không tăng là một lý do khiến thị trường phải giảm bớt kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất”, ông Jay Barry, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất của ngân hàng JPMorgan Chasse, nhận định.
Ông Barry cũng lưu ý rằng chỉ số ngạc nhiên của JPMorgan Chase, một thước đo nhận thức của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế so với thực tế thể hiện trên các số liệu thống kê, đã tăng mạnh trong mấy tuần trở lại đây.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng tình trạng thắt chặt tín dụng sau khi một loạt ngân hàng sụp đổ có thể hạn chế bớt mức tăng lãi suất cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Fed sẽ sớm giảm nhanh lãi suất.
Mặt khác, các quan chức Fed phát biểu gần đây đều bày tỏ quan điểm lãi suất cần phải tăng thêm. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nói với hãng tin CNBC rằng “lãi suất có thể phải tăng trên 6%” để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard cũng nói lãi suất có thể cần phải tăng thêm 0,5 điểm phần trăm nữa.
Bên cạnh đó, theo chiến lược gia trưởng toàn cầu của Invesco, bà Kristina Hooper, Fed càng sớm dừng tăng lãi suất, thì thiệt hại kinh tế của việc nâng lãi suất càng ít đi, nên sự cần thiết của cắt giảm lãi suất cũng vì thế mà giảm bớt đi. Điều đó có nghĩa là lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Ba, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và nhà kinh tế học Olivier Blanchard cho rằng Fed còn nhiều việc phải làm để kéo lạm phát xuống. Theo báo cáo, việc giảm lạm phát đòi hỏi sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp trên thị trường lao động đang rất vững vàng hiện nay. Hai vị chuyên gia không đưa ra một “đơn thuốc” cụ thể về việc tỷ lệ thất nghiệp cần tăng thêm bao nhiêu, nhưng bày tỏ tin tưởng Fed có thể hạ lạm phát thành công mà không khiến nền kinh tế sụt tốc mạnh.
“Với tỷ lệ thất nghiệp còn thấp và kỳ vọng lạm phát nhích lên, chúng tôi cho rằng Fed khó tránh được việc làm nền kinh tế giảm tốc nếu muốn đưa lạm phát giảm về mục tiêu”, báo cáo viết.
Suy thoái chưa chắc khiến Fed giảm lãi suất
Sự điều chỉnh kỳ vọng của thị trường đối với việc Fed cắt giảm lãi suất có thể gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với các nhà quản lý tài sản, những người đã mua vào lượng lớn trái phiếu có kỳ hạn ngắn dựa trên đặt cược rằng lãi suất sẽ sớm giảm. Do lợi suất của những trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn hơn thường biến thiên theo kỳ vọng lạm phát, khi lợi suất tăng lên khi nào giá những trái phiếu này giảm xuống, các công ty quản lý tài sản sẽ hứng thua lỗ.
“Từ đây trở đi, tôi cho rằng mức độ bấp bênh vẫn còn cao và nhà đầu tư sẽ còn rất thận trọng, xét tới những rủi ro trước mắt và tình trạng biến động cao khi bước sang năm nay”, ông Kavi Gupta - trưởng bộ phận giao dịch lãi suất thuộc ngân hàng Bank of America - nhận định.
Giới đầu tư cũng cho rằng kỳ vọng về việc cuộc khủng hoảng trần nợ Mỹ sẽ được giải quyết kịp thời cũng có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao hơn. Có một thực tế “ngược đời” là khi khủng hoảng trần nợ Mỹ căng thẳng, giới đầu tư lại mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ vì họ vẫn coi đây là một “hầm trú ẩn”.
“Nhìn chung, đây là một thế giới mà giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lại chính bởi nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ khi cuộc đàm phán trần nợ cam go. Bởi thế, trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán mạnh và lợi suất tăng lên lại là do hy vọng và kỳ vọng rằng sắp có một thỏa thuận nâng trần nợ”, Giám đốc đầu tư trái phiếu Jim Leaviss của M&G Investments nhận định.
Các nhà phân tích của công ty quản lý đầu tư BlackRock cho rằng nhiều nhà đầu tư đang quay trở lại với thói quen cho rằng biến động thị trường hoặc thiệt hại kinh tế sẽ buộc Fed và các ngân hàng trung ương khác phải lùi bước trong việc tăng lãi suất, nhưng đây có thể là một kỳ vọng sai lầm.
“Hầu hết các nền kinh tế phát triển đều đang có chung một vấn đề. Đó là lạm phát lõi ‘cứng đầu’ hơn so với kỳ vọng và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương”, một báo cáo gần đây của BlackRock nhận định.
“Chúng tôi cho rằng điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương không thể sớm đảo ngược việc tăng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi thị trường tài chính cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay. Chúng tôi dự báo sẽ có suy thoái kinh tế. Nhưng không giống như trong quá khứ, khi các ngân hàng trung ương thường giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế gặp khó, chúng tôi cho rằng vấn đề lạm phát chưa được giải quyết sẽ khiến cho câu chuyện lần này sẽ phải khác”.