Bên ngoài căn nhà gỗ tồi tàn bán đồ lưu niệm tại trạm nghiên cứu Nam Cực Bellingshausen, khách du lịch và các nhà khoa học phải chen chúc nhau trên cầu thang kim loại để thoát khỏi trận bão tuyết.
Denis Ianenkov, kỹ sư kiêm chủ cửa hàng, bận rộn với việc hướng dẫn nhóm khách tiếp theo vào một căn phòng nhỏ có những lá cờ được cắm trên mỗi bức tường.
Không gian eo hẹp nhanh chóng được lấp đầy bởi những du khách tràn đầy sự hào hứng. Họ liên tục hỏi giá các huy chương và chiêm ngưỡng tượng chim cánh cụt. Nam châm gắn tủ lạnh và dây móc khóa được bán với giá 5 USD/chiếc, còn mũ lót lông thì 100 USD, theo The Guardian.
“Công việc này rất tốt”, Ianenkov nhận xét. Hàng hóa ở đây được chấp nhận thanh toán bằng đồng Peso (Chile) hoặc USD (Mỹ).
Lục địa lạnh nhất thế giới
Khác với khách du lịch, các nhà khoa học chỉ mua những bộ phận máy móc để sửa chữa, thực phẩm và dữ liệu điện thoại di động.
Ianenkov đặt niềm tin rất lớn vào dự án kinh doanh của mình. Theo Hiệp hội quốc tế các nhà điều hành tour Nam Cực (IAATO), trong năm 2022 - 2023, 105.331 người đã đặt chân đến "vùng đất không có gấu".
Ngoại trừ thời kỳ khủng hoảng tài chính vào năm 2008 và 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (2020 - 2021), số lượng du khách liên tiếp tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Phần lớn người đến thăm Nam Cực đều muốn trải nghiệm những thứ không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới.
Họ có thể nhảy xuống làn nước lạnh giá, ngắm nhìn động vật hoang dã, tham quan vịnh Fildes từ bãi đáp của lực lượng không quân Chile nằm trên một cao nguyên nông.
Ianenkov cho biết chi phí cho một chuyến du ngoạn ở Nam Cực tốn ít nhất là 10.000 bảng Anh (12.700 USD), thậm chí có thể lên đến 100.000 USD. Vì thế, nơi này là điểm đến của phân khúc du khách cao cấp và giới nhà giàu.
Theo Hiệp hội du thuyền quốc tế (CLIA), châu lục duy nhất không có cư dân sinh sống cố định thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nhân, tỷ phú.
Việc buôn bán của Ianenkov và các đồng nghiệp phụ thuộc vào lượng khách hàng giàu có. Đa số du khách đến đây vào những tháng mùa hè, có thời tiết dễ chịu hơn một chút.
Tuy nhiên, quản lý du lịch là một vấn đề khó khăn ở Nam Cực khi sự nổi tiếng của "vùng đất không có gấu" ngày càng tăng nhưng không có chính phủ nào có quyền đặt ra các quy tắc.
“Tác động của ngành công nghiệp này và dấu chân là khá lớn”, Daniela Liggett, phó giáo sư tại Đại học Canterbury ở New Zealand, chia sẻ.
Tính chất thời vụ của hoạt động kinh doanh khiến hệ sinh thái mỏng manh của Nam Cực phải đối mặt với lượng du khách ồ ạt vào mùa hè và sự tạm lắng đột ngột trong mùa đông.
Ở vịnh Fildes, hình ảnh tàu thuyền xếp hàng dài, các sự cố tràn nhiên liệu, va chạm giữa phương tiện di chuyển và sinh vật biển được ghi nhận. Tại một số khu vực, du khách đã dẫm lên rêu và thực vật xung quanh. Nhiều cấu trúc lịch sử thậm chí còn bị vẽ bậy.
Ở những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất, các nhà nghiên cứu phát hiện ra tuyết có nồng độ carbon đen cao hơn từ khí thải của tàu, hấp thụ nhiệt và dẫn đến tăng tốc độ tan chảy của băng.
Ước tính mỗi du khách đến thăm Nam Cực từ năm 2016 đến năm 2020 đã góp phần làm tan 75 tấn tuyết.
Chuyến đi đắt đỏ
Tiến sĩ Luis Miguel Pardo, nhà sinh vật học người Chile, cho hay việc khách du lịch biết đến “lục địa quốc tế” là điều tốt. Nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại về khả năng du nhập của các sinh vật ngoại lai.
Một số loài không phải bản địa đã hiện diện trên bán đảo, cộng với khủng hoảng khí hậu và nhiệt độ ấm hơn sẽ làm tăng những dấu hiệu xấu trong tương lai.
Theo dữ liệu của IAATO, có 32.730 người đến Nam Cực bằng du thuyền vào mùa hè năm nay và 71.258 lượt khách rời bến.
Một số đến đây để thực hiện các dự án khoa học, trong khi những người khác đi leo núi, trượt tuyết hoặc ngắm nhìn lục địa lạnh nhất trên Trái Đất qua trực thăng.
Ngoài ra, họ còn có thể tham gia các hoạt động phổ biến như chèo thuyền hoặc lặn với ống thở để cảm nhận cái lạnh cóng ở Nam Đại Dương.
Theo The Guardian, du lịch ở Nam Cực bắt đầu được biết đến vào những năm 1950, nhưng chuyến đi này khá độc quyền và đắt đỏ.
Trong số những người đặt chân đến "lục địa quốc tế" vào mùa hè, chỉ hơn một nửa đến từ Mỹ, tiếp theo là Úc, Đức và Vương quốc Anh.
Trước đây, những du khách đầu tiên có thể ghé qua Nam Cực bằng cách quá giang trên các con tàu tiếp tế.
Đến năm 1991, khi IAATO được thành lập để thúc đẩy hoạt động du lịch an toàn và có trách nhiệm với môi trường, một số quy tắc được thiết lập nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói tại “cực gió của thế giới”.
IAATO đặt ra các hướng dẫn nghiêm ngặt liên quan đến động vật hoang dã, xử lý rác thải để tránh làm hư hại thảm thực vật hoặc đưa loài xâm lấn đến Nam Cực.
Bên cạnh đó, các tàu chở hơn 500 người không được phép cập bến. Những chuyến thám hiểm bằng thuyền nhỏ hơn sẽ được đưa hành khách lên bờ cùng với hướng dẫn viên để đi bộ, chèo thuyền kayak, cắm trại hoặc trượt tuyết.