Để phục vụ nhu cầu đi lại nhiều, danh thủ tậu máy bay riêng Gulfstream V đời năm 2004 với giá 15 triệu USD. Chuyên cơ bao gồm hai phòng bếp và phòng tắm, đồng thời có thể chứa tối đa 16 hành khách. Đuôi máy bay in số 10 - số áo của Messi còn trên bậc thang dẫn vào máy bay, cầu thủ vừa đạt Quả bóng vàng World Cup 2022 cho in tên vợ, Antonella, cùng tên các con: Mateo, Ciro, Thiego. Theo thống kê của L'Équipe, máy bay tư nhân của Messi đã thực hiện 52 chuyến bay trong vòng 3 tháng hè của năm nay.
Nhu cầu máy bay riêng tăng cao
Theo tờ New York Times, nếu như được lựa chọn, sẽ chẳng có ai muốn đi du lịch bằng máy bay thương mại. Trong năm qua, số chuyến bay tư nhân tăng lên kỷ lục, và giới thượng lưu toàn cầu lấy Covid-19 làm lí do để biện minh cho thói quen di chuyển tiện lợi nhưng xa xỉ này. “Bởi lẽ, một khi đã trải nghiệm máy bay tư nhân, khi quay lại dùng máy bay thường, bạn sẽ thấy khá sốc,” tờ New York Times nhận định.
Nếu như một chuyến bay thương mại có thể kéo dài hai tuần với nhiều dịch vụ hậu cần phức tạp và những hóa đơn khách sạn đắt đỏ, thì khi đi bằng máy bay riêng, khách hàng hoàn thành chuyến đi chỉ trong vòng ba ngày. Trong vòng 15 phút, bạn đã được thoải mái hoàn toàn, không phải đứng đợi những hàng dài, không có các thông báo nhàm chán của phi hành đoàn về các lối thoát hiểm... Thay vào đó là những chiếc ghế xa hoa; thảm dày; những chiếc TV màn hình phẳng khổ lớn xuất hiện theo phong cách điệp viên 007 (chui lên từ gầm bàn hoặc ló ra đằng sau một tác phẩm nghệ thuật). Cả những bữa ăn nhẹ hoành tráng và những ly cocktail cổ điển.
Theo bản cập nhật hàng tháng của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), bất chấp những thách thức về chuỗi cung ứng và thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng di chuyển bằng máy bay phản lực tư nhân, vốn đã trở nên phổ biến vào năm ngoái, vẫn tiếp tục phát triển. Điều này có thể là do những du khách giàu có đã quen với dịch vụ cao cấp, riêng tư nên không muốn quay lại sử dụng chuyến bay thương mại. Bên cạnh đó, ngoài lý do sức khỏe và an toàn, các sự kiện lớn như Dubai Expo, FIFA World Cup ở Doha đã thúc đẩy nhu cầu trên trong thời gian gần đây.
“Hành trình đi từ Dubai - Jeddah - Qatar chỉ mất 2 ngày. Điều đó là không thể với cách di chuyển thương mại”, Carlos Brana, phó chủ tịch điều hành cấp cao tại Dassault Aviation của Pháp, nói với tờ Gulf News. Công ty này đã trưng bày chiếc Falcon 8X nổi tiếng của mình tại trung tâm hội chợ và triển lãm ở Dubai. Boeing, nhà sản xuất máy bay phản lực tư nhân lớn nhất thế giới, cho biết tối thiểu 820 chiếc Boeing Business Jets (BBJ) đang ở Trung Đông và châu Phi (MEA). Kể từ khi ra mắt vào năm 1996, BBJ đã giao 240 chiếc trong 262 đơn đặt hàng.
Alex Fecteau, giám đốc tiếp thị BBJ, cho hay rất nhiều người đã chuyển từ hạng nhất hoặc thương gia sang chuyến bay tư nhân sau đại dịch. Với khoảng 4.000 triệu phú chuyển đến Dubai hàng năm, nhu cầu và cơ hội kinh doanh trong ngành này tiếp tục tăng. Đặc biệt, việc ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra tại quốc gia vùng Vịnh cũng mang lại lượng khách dồi dào cho các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển. “Trong mùa World Cup năm nay, chúng tôi ghi nhận nhiều nhóm bạn chi số tiền lớn để thuê chung máy bay đi xem các trận đấu”, Paul James, giám đốc bán hàng tại DC Aviation, nói.
Tiện lợi và bền vững
Máy bay phản lực tư nhân gây ô nhiễm gấp 5 đến 14 lần so với phương tiện phổ thông và gấp 50 lần khi so sánh với đường sắt cao tốc. Hình thức đi lại này còn thải ra hai tấn CO2 mỗi giờ.
Tờ Forbes tháng trước đưa tin, chỉ vài tuần sau khi tỷ phú người Pháp Bernard Arnault tuyên bố ông đã bán chiếc máy bay riêng của mình để tránh bị theo dõi bởi những người phê phán ảnh hưởng của các chuyến bay tư nhân tới khí hậu, hãng sản xuất phi cơ Bombardier đã chứng kiến nhiều khách hàng cân nhắc việc đặt hàng. Những khách hàng đó đang hỏi Bombardier - công ty sản xuất phi cơ tại Canada – là liệu hãng có những biện pháp gì để hướng đến phát triển bền vững.
Theo Ève Laurier, Phó Chủ tịch Truyền thông, Tiếp thị và Các vấn đề Công chúng của Bombardier, sự dâng cao các chỉ trích của giới truyền thông đối với việc sử dụng máy bay riêng gần đây đã tạo ra hiện tượng trên. Dù chưa có khách hàng nào hủy đơn đặt hàng phi cơ, đại diện hãng máy bay này cho biết họ rất sẵn lòng tiếp nhận các sáng kiến bền vững hơn để giúp việc di chuyển hàng không bớt ảnh hưởng tới khí hậu; cụ thể như sử dụng các vật liệu nội thất bền vững hơn hoặc SAF - "nhiên liệu bay bền vững", để giảm phát thải carbon tới 80%.
Thực tế, máy bay phản lực tư nhân gây ô nhiễm gấp 5 đến 14 lần so với phương tiện phổ thông và gấp 50 lần khi đặt lên bàn cân với đường sắt cao tốc. Hình thức đi lại này còn thải ra hai tấn CO2 trong một giờ. Do đó, những người có mong muốn bảo vệ khí hậu đã chỉ ra vấn đề lớn của các chuyến bay tư nhân khi chúng tạo ra lượng lớn phát thải carbon chỉ để phục vụ nhu cầu di chuyển của một nhóm người siêu giàu. Các ngôi sao như Kylie Jenner, Taylor Swift, thậm chí tỷ phú Elon Musk cũng bị nhắm đến trong phong trào này.
Mới đây, Pháp được bật đèn xanh để cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn. Ủy ban châu Âu đã phê duyệt động thái này, cho phép bãi bỏ những chuyến bay giữa các thành phố nếu kết nối bằng hành trình tàu hỏa dưới 2,5 giờ. Những thay đổi này là một phần của Luật Khí hậu năm 2021 của Pháp. Đồng thời chính phủ Pháp cũng đang hạn chế việc sử dụng máy bay phản lực tư nhân cho những hành trình ngắn nhằm giúp giao thông trở nên xanh hơn và công bằng hơn cho người dân.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Clément Beaune cho biết, quốc gia này không còn có thể chịu đựng được giới siêu giàu sử dụng máy bay riêng trong khi người dân đang cắt giảm chi tiêu để đối phó với khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu. Thuế nặng và các hạn chế là những biện pháp mà chính phủ Pháp có nhiều khả năng được áp đặt. Các công ty cũng có thể bị buộc phải công bố chi tiết và minh bạch kế hoạch sử dụng máy bay của doanh nghiệp minh bạch hơn.