Đây là dự báo được một số nhà phân tích đưa ra giữa lúc giá vàng thế giới đang loay hoay xác định xu hướng vì thiếu chất xúc tác rõ rệt.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, giá vàng thế giới đạt mức cao kỷ lục 2.072,5 USD/oz vào hôm 7/8/2020. Vào thời điểm chiều ngày 14/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đứng ở mức 1.916 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
“Tôi thực sự cho rằng giá vàng sẽ vượt mức 2.100 USD/oz vào cuối năm 2023, đầu năm 2024”, Giám đốc điều hành kiêm trưởng chiến lược về thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu của công ty TD Securities, ông Bart Melek, nhận định với hãng tin CNBC. Cơ sở của dự báo này, theo ông Melek, là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Tôi lạc quan về triển vọng giá vàng vì tôi tin Fed sẽ dịch chuyển chính sách tiền tệ khỏi trạng thái thắt chặt hiện nay. Điều này sẽ xảy ra trước khi lạm phát ở Mỹ giảm về mục tiêu 2% của Fed”, ông Melek nói.
Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát vào tháng 3/2022, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ tăng mạnh và lập đỉnh của hơn 4 thập kỷ vào tháng 6 cùng năm. Trong vòng hơn 2 năm, Fed đã có 11 lần nâng lãi suất, với tổng mức tăng 5,25%, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,25-5,5%.
Trong một báo cáo gần đây, ông Melek nhấn mạnh rằng vàng mang lại mức lợi nhuận nổi trội so với hầu hết các lớp tài sản lớn khác trong 12 tháng trở lại đây, với mức tăng của giá vàng trong 12 tháng qua là gần 7% - theo dữ liệu từ TradingView. Kết quả này cho thấy vàng đã trụ tốt trong môi trường lãi suất thấp và phát huy được vai trò kênh đầu tư chống lạm phát cũng như chống lại rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một số nhà phân tích có quan điểm đặc biệt lạc quan về triển vọng giá vàng, cho rằng giá kim loại quý này có thể đạt mức 2.500 USD/oz trước cuối năm 2024. Mức giá dự báo đó cao hơn khoảng 26% so với giá hiện tại của vàng.
“Mục tiêu giá vàng của tôi là 2.500 USD/oz trước cuối năm 2024. Phần lớn sự tăng giá đó sẽ xuất phát từ các động lực suy thoái có thể nổi lên trong năm nay và tăng cường trong năm 2024. Năm tới sẽ là năm mà chúng ta chứng kiến giá vàng bứt phá và thiết lập những đỉnh cao mới”, nhà sáng lập David Neuhauser của Livermore Partners nhận định.
Ông Neuhauser cho biết ông kỳ vọng tình trạng kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát còn cao (stagflation) trong nền kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài thêm mấy năm nữa, khi lạm phát giảm về vùng 3-5%. Một môi trường như vậy thường mang lại lợi ích kép cho giá vàng, vì vàng sẽ phát huy được cả vai trò bảo toàn giá trị khi kinh tế suy yếu và vai trò chống lạm phát.
“Tôi tương đối lạc quan rằng trong vòng đôi năm nữa, chúng ta sẽ thấy giá vàng đạt 2.500 USD/oz. Bất kỳ diễn biến suy thoái nào cũng có lợi cho vàng”, CEO Randy Smallwood của công ty Wheaton Precious Metals nhận định, nhấn mạnh rằng kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang yếu đi.
Ngân hàng UOB cũng dự báo giá vàng sẽ lập kỷ lục mới, và thời điểm xảy ra điều này là nửa sau của năm 2024. “Động lực chính cho triển vọng tích cực của chúng tôi về giá vàng là chu kỳ tăng lãi suất của Fed chấm dứt, kèm theo đó là tỷ giá đồng USD qua đỉnh”, ông Heng Koon How, trưởng bộ phận chiến lược thị trường và nghiên cứu kinh tế-thị trường toàn cầu của UBO nhận định trong một cuộc trao đổi với CNBC.
Ông Heng lý giải rằng giá vàng sẽ đi lên khi lãi suất của Mỹ ngừng tăng và tỷ giá đồng USD giảm xuống. Ông dự báo giá vàng sẽ đạt mức 2.100 USD/oz trước quý 2/2024.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc các ngân hàng trung ương giữ vững xu hướng mua ròng vàng, bên cạnh nhu cầu vàng trang sức cải thiện. “Chúng tôi nhận thấy sự khởi sắc của nhu cầu vàng trang sức ở Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Heng nói.
Trong một báo cáo hồi tháng 7, ngân hàng Mỹ Citi cho biết nhu cầu vàng bán lẻ ở Trung Quốc đứng vững trong năm 2023 dù tiêu dùng nói chung ở nước này còn yếu. Mức tiêu thụ vàng trang sức trong quý 1 của Trung Quốc “đạt xấp xỉ 200 tấn, mức cao nhất của cùng kỳ kể từ năm 2015”, báo cáo của Citi cho biết.
Ngân hàng này dự báo tổng nhu cầu vàng trang sức ở Trung Quốc năm nay đạt hơn 700 tấn, tăng 22% so với năm ngoái.
Bà Nicky Shiels, trưởng bộ phận chiến lược kim loại thuộc công ty kim loại quý MKS PAMP cũng cho rằng nhu cầu vàng vật chất tại nhiều khu vực đang khởi sắc, trong khi nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn giữ ở mức cao. “Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi có thể tiếp tục giảm nắm giữ USD và tăng nắm giữ vàng “, bà Shiels nói.