Giải phóng mặt bằng: Câu chuyện từ thực tiễn
Một trong những "nút thắt" lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công đó là công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương cho rằng, giải phóng mặt bằng hiện nay “vướng” trong quá trình tính giá đất do có 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khiến nhiều địa phương “lúng túng” trong cách tính giá đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam – cho biết: Giải phóng mặt bằng một dự án giao thông có nhà dân thì phải tìm một chỗ khác để tái định cư, tìm chỗ khác lại phải giải phóng mặt bằng chỗ đó, nghĩa là mất 2 lần giải phóng mặt bằng. Nhưng nếu cộng đủ quy trình thì mất hơn 300 ngày.
Chia sẻ tại một diễn đàn diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã kể lại câu chuyện giải phóng mặt bằng cho dự án Trung tâm Điện lực Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Đây là dự án có diện tích 270 héc ta với 1.700 hộ dân trong khoảng thời gian 2006 – 2012 khi ông làm lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, dự án này giải phóng mặt bằng trong vòng 3 tháng, và không có khiếu kiện, khiếu nại. Thời điểm đó, lãnh đạo Chính phủ đã về kiểm tra và đánh giá, “đây là dự án điển hình của công tác giải phóng mặt bằng”.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, khi triển khai giải phóng mặt bằng dự án 270 héc ta này, chúng tôi đã công bố rõ ràng với với người dân và cán bộ tham gia dự án là, công khai tại ấp, tại xã về danh sách đền bù và định mức đền bù để người dân tự giám sát, so sánh nhà mình với những hộ xung quanh.
Trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng dự án, chúng tôi cũng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch xã gương mẫu bàn giao đất trước, dù chưa nhận được tiền đền bù thì cũng ký khối lượng. Còn nếu có khiếu kiện, chúng tôi sẽ xử lý công tác Đảng kỷ luật Đảng trước..
Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, giải phóng mặc bằng là vấn đề cực kỳ phức tạp, để người dân từ bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” của mình, nhất là với người phương đông lại vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta có thể làm được, nếu chúng ta chia sẻ được với người dân.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các quy định về giải phóng mặt bằng nhà nước đã đều có đầy đủ, nhưng vấn đề là chúng ta có triển khai được hay không lại là chuyện khác.
“Chúng ta hay nói, hiện không có mặt bằng sạch để di dân, nhưng lại không nghĩ rằng, trong văn bản của giải phóng mặt bằng còn có một điều quy định, trong thời gian đi xây dựng nhà tái định cư thì nhà nước tính tiền thuê nhà trọ cho họ ở, và họ đồng ý” – ông Nguyễn Đức Kiên thông tin.
Đảm bảo “3 công” trong công tác giải phóng mặt bằng
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Giải phóng mặt bằng là “khúc mắc” diễn ra từ nhiều năm nay đối với các dự án đầu tư, dù chúng ta đã chỉnh sửa nhiều văn bản luật, dưới luật, nghị định, thông tư và quy trình triển khai ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng hiện vẫn được nhiều địa phương đánh giá rất khó khăn, làm chậm giải ngân các dự án đầu tư công. Bởi đối với các dự án đầu tư công, chỉ cần một điểm nhỏ trong dự án đó không giải phóng được thì cũng ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, khiến chậm tiến độ dự án.
Để khắc phục những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng phương án tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng, không nằm trong dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.
Song ông Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công chỉ thuận lợi cho công tác quản lý, vì dự án đầu tư công hay dự án đầu tư nói chung thì luôn gắn với vấn đề đất đai, sử dụng đất đai, trong đó có giải phóng mặt bằng.
Theo ông Vũ Đình Ánh, để thúc đẩy giải phóng mặt bằng, chúng ta nên tập trung vào “3 công”, bao gồm: Công khai, công bằng, công tâm. Bởi đây là những vấn đề mà người dân rất quan tâm.
“Nếu chúng ta gắn giải phóng mặt bằng với những vấn đó thì không cần phải tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công chúng ta vẫn có thể thực hiện đẩy nhanh vấn đề giải ngân vốn đầu tư công” – ông Vũ Đình Ánh khẳng định.
Đồng quan điểm với ông Vũ Đình Ánh, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công chỉ là giải pháp tình thế, còn nếu ngân sách địa phương và trung ương hoà vào làm một, kế hoạch địa phương và trung ương nằm trong một khối thống nhất, thì địa phương muốn phát triển phải có quỹ đất. Khi giải phóng mặt bằng, chuyển người dân ở khu vực dự án sang quỹ đất của địa phương đã chuẩn bị sẵn và tiền Chính phủ cấp cho địa phương để giải phóng mặt bằng những đoạn qua địa phương thì lấy đó để làm khu vực mới, điều đó hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của cán bộ lãnh đạo hiện nay.