Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong tuần giao dịch 20-24/3. Lực cầu xuất hiện sau khi VN-Index giảm dưới vùng điểm 1.020 đã giúp thị trường lấy lại được sắc xanh, phục hồi lên sát khu vực 1.050. VN-Index tăng gần 2 điểm để kết phiên cuối tuần tại mức 1.046,79 điểm. Thanh khoản sụt giảm gần 20% so với tuần trước, giá trị giao dịch trung bình trên HoSE chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng 399 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Luôn có cơ hội dù ở bất kỳ kịch bản nào
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám Đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh Hồ Chí Minh, dù chỉ tăng nhẹ nhưng diễn biến thị trường chứng khoán trong nước tuần qua là đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới vô cùng biến động.
Xét ngắn hạn, có thể nói các yếu tố tác động tích cực tới thị trường có phần chiếm ưu thế. Đặc biệt là các động thái chính sách với việc ban hành Nghị định 08 về Trái phiếu doanh nghiệp và Nghị quyết 33 về bất động sản trong thời gian gần đây. Nổi bật hơn là chuyển biến trong điều hành chính sách tiền tệ khi NHNN vừa qua đã có động thái hạ lãi suất. Thanh khoản cũng là rất dồi dào khi lãi suất qua đêm các kỳ hạn đang giảm xuống mức thấp. "Có chăng, điều tiêu cực xuất phát từ ảnh hưởng xấu từ tâm lý thị trường thế giới và tâm lý dè dặt của nhà đầu tư trong nước", ông Huy đánh giá.
Thực tế, tâm lý dè dặt vẫn bao trùm và phần lớn nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường. Đây là điều cũng dễ hiểu vì ở vùng đáy vĩ mô, vùng chuyển pha của thị trường, nhiều tín hiệu tốt xấu sẽ đan xen và tin xấu chủ yếu về nền kinh tế, doanh nghiệp khiến nhà đầu tư bi quan. Nếu muốn thanh khoản thị trường cải thiện, có lẽ phải là lúc khi thị trường đã thấy rõ đáy, tăng trưởng được một quãng và thu hút dần trở lại nhà đầu tư.
Nói về những sự kiện quốc tế liên quan tới hệ thống tài chính ngân hàng thời gian qua, ông Huy cho rằng "việc cố gắng giao dịch trên các thị trường mà không có nhận thức liên thị trường cũng giống như lái xe mà không nhìn vào bên hông, gương chiếu hậu và cửa sổ", có nghĩa là luôn phải ngó nghiêng các thị trường khác để có cái nhìn bao quát nhất. Song, thời gian chính của người lái xe là phải nhìn về phía trước. Hiện tại, nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam đang có vẻ ngó nghiêng nhiều hơn. Vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần phải phải tập trung hơn vào thị trường trong nước, tất nhiên quan sát các thị trường khác là điều cần thiết, nhưng chỉ nên ở một mức độ nhất định, đặc biệt khi chỉ số VN-Index đã giảm đến 30% trong vòng 1 năm qua.
Với bối cảnh hiện tại, vị chuyên gia đến từ DSC thiên hơn về hướng thị trường sẽ diễn biến tích cực trong tuần tới. Kháng cự gần nhất quanh khu vực 1.060-1.070 điểm. Nếu vượt qua được vùng này, ông Huy cho rằng sóng tăng ngắn hạn sẽ được khẳng định. Tuy nhiên trong trường hợp thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nếu không đủ động lực để vượt thì VN-Index cũng sẽ không quá tiêu cực, chỉ số sẽ đi ngang với cận dưới 1.020-1.030 điểm và cận trên 1.060-1.070 điểm. Việc này vẫn đủ để tạo điều kiện cho thị trường phân hóa với những nhóm cổ phiếu đã “dám bứt phá” trong thời gian qua. Theo ông Huy, luôn có cơ hội dù ở bất kỳ kịch bản nào.
Cụ thể hơn, dù ảm đạm nhưng thị trường hiện đã có sự tích cực hơn đó là sự phân hóa đến từ nhiều câu chuyện dám kể và nhiều nhóm cổ phiếu cho lợi nhuận trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể nắm bắt nhanh những câu chuyện tại thời điểm tham gia, đó có thể là đầu tư công, có thể là chuyện các nhóm ngành hưởng lợi bởi hạ lãi suất, là câu chuyện cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp, câu chuyện cơ cấu các khoản nợ...
Về những thương vụ bán tài sản lớn gần đây liên quan tới doanh nghiệp niêm yết, ông Huy cho rằng những giao dịch lớn đều có những ảnh hưởng định hướng nhất định. Thương vụ tại Vinhomes nói riêng hay Vingroup nói chung thể hiện cho nỗ lực tái cơ cấu của nhiều doanh nghiệp trong ngành và hướng giao dịch, tái cấu trúc tài sản là một tín hiệu cho điều đó. Đối với VPBank, mức giá giao dịch có thể sẽ là điểm neo cho giá cổ phiếu VPB và định giá cho nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Khi vĩ mô đang ở vùng giao thời, M&A sẽ là một điểm đáng chú ý, ở đó sẽ chứng minh được rất nhiều điều từ cả bên mua và cả bên bán.
Chưa nhận thấy có thêm dòng tiền ETFs khác chảy vào thị trường, áp lực bán từ khối ngoại đang dần gia tăng
Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco tâm lý thận trọng của phần lớn nhà đầu tư xuất phát từ việc các thị trường quốc tế ghi nhận cả những thông tin tích cực và tiêu cực đan xen. Thông tin tích cực hiện nay có thể thấy là việc lãi suất có thể sẽ tạo đỉnh trong thời gian gần cũng như việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng gặp vấn đề, trong khi đó thông tin tiêu cực đang nghiêng nhiều về tâm lý khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ chia sẻ rằng họ chưa thảo luận về việc nâng trần bảo hiểm tiền gửi của FDIC với người gửi tiền. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa khá mạnh khi các áp lực về mặt bằng lãi suất cao có thể làm tăng chi phí của các doanh nghiệp trong kỳ. Trước mắt, với việc các tin tức nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến, lực cầu vẫn sẽ tập trung phần nhiều từ khối ngoại và thanh khoản có thể sẽ vẫn dao động quanh mức 8.000-9.000 tỷ đồng/phiên.
Về thị trường, sự giằng co của chỉ số nhiều khả năng vẫn còn hiện hữu, khi nhiều tin tức tốt xấu đan xen vẫn đang xuất hiện, có thể ảnh hưởng tới tâm lý thị trường. VN-Index sẽ vận động tích lũy quanh vùng 1.020-1.060 điểm trong tuần giao dịch tới.
Trong đó, ông Khoa kỳ vọng giao dịch của khối ngoại vẫn sẽ là điểm sáng trong tuần tới, đặc biệt là từ quỹ Fubon ETF khi quỹ này vẫn đang trong quá trình giải ngân vào thị trường Việt Nam, tổng quy mô ước tính 3.800 tỷ đồng. Song, hiện chưa nhận thấy có thêm dòng tiền của các quỹ ETF khác chảy vào thị trường, chưa kể dòng tiền khối ngoại trong giai đoạn cuối năm 2022 tới nay cũng tham gia khá mạnh mẽ, khiến áp lực bán từ nhóm này có thể gia tăng trong các tháng sắp tới.
Bên cạnh đó, câu chuyện về mặt bằng định giá P/E đã tăng trở lại khi thị trường phục hồi và kết quả kinh doanh quý 1 dự báo sẽ có sự phân hóa lớn có thể dẫn tới mức định giá cao hơn trong thời gian tới. Vì vậy, vị chuyên gia tới từ Agriseco cho rằng động lực hỗ trợ thanh khoản thị trường trong giai đoạn sắp tới sẽ khó khăn hơn.
Ông Khoa cho rằng câu chuyện đầu tư trong thời gian này sẽ nghiêng nhiều về những nhóm ngành/doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, đặc biệt nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu thì sẽ là cơ hội để tích lũy các nhóm ngành này trong trung-dài hạn. Một số nhóm ngành nhà đầu tư có thể chú ý bao gồm: Bất động sản khu công nghiệp, thượng nguồn dầu khí, công nghệ, điện và lương thực.
Ngoài ra, về ngắn hạn, nhà đầu tư cũng có thể tham gia các cổ phiếu đang thu hút dòng tiền như chứng khoán và bất động sản, song cần lưu ý dòng tiền thời gian này có sự luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành và chịu sự chi phối tương đối lớn của các tin tức vĩ mô. Do đó nhà đầu tư nên xác định rõ điểm cắt lỗ và chốt lời trước khi thực hiện giao dịch.