Diễn biến rung lắc mạnh, tăng giảm đan xen tiếp tục được ghi nhận trong tuần cuối năm 2022. Thanh khoản sụt giảm và thấp hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ. Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào, chúng tôi đã có trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco: Mặc dù tâm lý thị trường nhìn chung khá thận trọng do thị trường đang trong vùng trũng thông tin và kỳ nghỉ Tết tới gần làm gia tăng nhu cầu thanh khoản. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện khi chỉ số lui về ngưỡng hỗ trợ quan trọng 985-1.000 điểm.
Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các cơ hội bắt đáy tại vùng giá thấp. Quan sát diễn biến thị trường, lực cầu này có thể từ khối nhà đầu tư nước ngoài, khi họ vẫn tiếp tục mua ròng trong 4 phiên gần đây với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng do hiệu ứng giao dịch của các quỹ tại thời điểm cuối năm.
Với việc xu hướng thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng và các thông tin hỗ trợ tương đối ít, không ngoại trừ khả năng chỉ số có thể sẽ có thêm 1-2 nhịp giảm điểm trong các tuần đầu năm 2023 để kiểm định lượng cung – cầu trước khi bước vào xu hướng mới.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI): VN-Index chịu áp lực bán mạnh ngay trong phiên đầu tuần khiến chỉ số chung liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ mềm và lui sát về vùng điểm 980. Tuy lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số phục hồi và lấy lại mốc 1.000 điểm, song thanh khoản sụt giảm rõ rệt cho thấy tâm lý nghỉ Tết rõ nét hơn. Giao dịch khối ngoại dù có phần chững lại, song vẫn là điểm sáng giúp thị trường trụ vững tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Một điểm sáng là thông tin ước tính vĩ mô trong năm vừa qua với GDP năm 2022 tăng 8,02% do nền kinh tế hồi phục tăng trưởng trở lại sau dịch trên nền thấp của năm 2021. Dù vậy, thông tin này không có quá nhiều tác động tích cực đến TTCK, bởi nền kinh tế vĩ mô vẫn đang bị tác động bởi nhiều chính sách thắt chặt, cung tiền kiểm soát chặt chẽ, lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động phức tạp,…
Về dự báo thị trường tuần sau nghỉ lễ, tôi cho rằng VN-Index sẽ cải thiện một chút về thanh khoản và điểm số, song khó có giao dịch đột biến vì tâm lý nghỉ Tết đã rất rõ nét. Thị trường sẽ giao dịch trong biên độ hẹp quanh mức 980 - 1.000 điểm.
Nhiều gam màu xám trong KQKD quý 4 sắp công bố
Ông Nguyễn Anh Khoa: Dự phóng về kết quả kinh doanh quý 4/2022, tôi nghiêng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường sẽ thiên nhiều về gam màu xám. Mặc dù vẫn sẽ có một số nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng so với cùng kỳ như hàng không – du lịch hay thực phẩm – đồ uống.
Đối với nhóm ngân hàng, KQKD quý 4 sẽ có sự phân hoá khi những doanh nghiệp có chất lượng tài sản và năng lực tài chính tốt cùng quy mô lớn có thể vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng. Ngược lại các ngân hàng quy mô nhỏ hơn có thể gặp áp lực từ việc thu hẹp biên lãi thuần kết hợp với khả năng phải trích lập dự phòng khi rủi ro nợ xấu tăng lên.
Đối với nhóm bất động sản, KQKD quý 4 sẽ chưa khởi sắc khi các hoạt động thi công dự án hay bán hàng đều tương đối trầm lắng, trong khi các chính sách ngành hiện mới dự thảo và vẫn cần thời gian để có thể được phê duyệt.
Đối với nhóm thép, áp lực về chi phí tài chính so với quý 3 sẽ giảm bớt khi tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm trong quý 4. Đây là yếu tố có thể hỗ trợ phần nào kết quả lợi nhuận của nhóm này.
Bàn về định giá thị trường, P/E hiện đang ở vùng thấp ngang đáy thời điểm Covid-19, song mức định giá thấp chủ yếu do mức P/E của ngành ngân hàng thấp hơn đáng kể trung bình ngành (khoảng 8 lần P/E so với mức gần 11 lần của VN-Index). Do đó, định giá của các nhóm ngành còn lại nhìn chung đang khá phù hợp với trung bình lịch sử.
Trong bối cảnh KQKD quý 4 có thể phân hóa, nhiều nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, thép còn nhiều khó khăn, chuyên gia cho rằng định giá P/E của thị trường sẽ cao hơn so với hiện tại. Tuy vậy, mức định giá này không quá đắt mà là phù hợp với tình hình thực tế khi mặt bằng lãi suất, tỷ giá đang trong xu hướng lên và Việt Nam đã phải thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá.
Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng diễn biến năm 2023 sẽ có sự hồi phục khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành,... Tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt so với năm nay khi dự báo FED sẽ tăng lãi suất lên mức 5-5,25% trong năm 2023 và duy trì tới hết năm và Trung Quốc mở cửa trở lại kể từ đầu tháng 1/2023 sẽ tác động tích cực tới nhiều ngành nghề trọng điểm như xuất khẩu, hàng không – du lịch, khu công nghiệp,…
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Về bức tranh quý 4 sẽ phản ánh khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp. Thực tế những khó khăn đó đã bộc lộ từ cuối quý 3 khi nhiều doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại, các doanh nghiệp sản xuất cắt giảm sản lương đóng cửa nhà máy, các doanh nghiệp xuất khẩu thì thiếu hụt đơn hàng, cho công nhân nghỉ luân phiên.
KQKD quý 4 sẽ có sự phân hoá rõ nét, những doanh nghiệp chịu biến động của nền kinh tế có thể lỗ khá nặng nề. Chúng ta sẽ nhìn thấy mức nền tăng trưởng lợi nhuận thấp trong quý 4 sắp tới. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.
Nhóm ngân hàng có KQKD khả quan nhất, song tỷ lệ nợ xấu có khả năng gia tăng hơn trong các quý tiếp theo. Ngành chứng khoán sẽ phân hoá, song mặt bằng chung là suy giảm lợi nhuận khi thanh khoản giảm mạnh. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống thì vẫn duy trì KQKD bền vững. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu như thuỷ sản, thép, dệt may, bất động sản cũng có nhiều yếu tố khó khăn.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng quan sát
Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong ngắn hạn, đặc biệt trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường, tránh mua đuổi tại các nhịp chỉ số tăng giá. Đối với các nhà đầu tư nắm giữ lượng đòn bẩy lớn, nên tận dụng nhịp hồi phục của VN-Index để hạ tỷ trọng.
Đối với nhà đầu tư nắm giữ trung-dài hạn và đang có sẵn tiền mặt có thể tích luỹ tại nhịp điều chỉnh của thị trường. Dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ có thể hướng về các cổ phiếu có câu chuyện trong năm 2023 như nhóm chủ đề đầu tư công (Xây dựng, vật liệu xây dựng); nhóm hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa như xuất khẩu (thuỷ sản, dệt may, cao su), khu công nghiệp, hàng không, cảng biển, thép; hay nhóm phòng thủ trong môi trường tỷ giá, lãi suất biến động như thực phẩm thiết yếu, điện, dược hay nhóm doanh nghiệp trả cổ tức trên thị giá cao.
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Định giá hiện đang ở mức rất thấp, phản ánh đáng kể lo ngại của thị trường trong quý 4. Nhà đầu tư dài hạn nên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt lớn để chờ đợi cơ hội giải ngân. Khi bức tranh kinh doanh quý 4 được công bố, những khó khăn cũng hiện ra rõ ràng, thị trường sẽ có khá nhiều cơ hội cho năm 2023.
Tuy vậy, đối với giao dịch ngắn hạn, khi tâm lý nghỉ Tết đang chi phối nhà đầu tư tiếp tục duy trì sự thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường trong phiên và chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với danh mục cổ phiếu đã bắt đáy thành công trong những phiên trước đó.