Sau tuần phục hồi khá tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch tương đối giằng co quanh ngưỡng 1.065 điểm. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến lực cầu không thể duy trì mạnh, dẫn tới đà tăng của VN-Index không bền vững và đan xen các phiên tăng/giảm.
Xét chung cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng tăng 0,17 điểm (+0,02%) lên mức 1.067,07 điểm, ngược lại HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,55%). Thanh khoản trên HoSE đạt giá trị khớp lệnh bình quân xấp xỉ 11.000 tỷ đồng/ phiên. Khối ngoại dù mua ròng đột biến thỏa thuận gần 1.300 tỷ đồng tại một cổ phiếu phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần vẫn bán ròng 404 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.
Nếu “nhắm mắt” mua cổ phiếu mà không chọn lọc kỹ, khả năng cao sẽ thua lỗ
Theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tuần qua thị trường thế giới chứng kiến diễn biến rất tích cực, từ Mỹ, châu Âu và đặc biệt là các thị trường châu Á. Chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất trong vòng 30 năm, thị trường Đài Loan vượt kháng cự hay chỉ số NASDAQ tiếp tục bứt phá lên những điểm cao mới trong ngắn hạn. Có thể thấy, VN-Index tuần qua dù không quá tệ nhưng lại khá yếu so với các thị trường trên thế giới.
Việc VN-Index có lúc chớm chạm kháng cự quanh 1.080 điểm và quay đầu giảm, đây là phản ứng rất bình thường. Để thực sự vượt kháng cự, tâm lý nhà đầu tư cần có sự đồng thuận hơn nữa. Tuy nhiên, dù vượt kháng cự hay không, ông Huy cho rằng thị trường cũng sẽ diễn biến không quá xấu, vùng sideway ngắn hạn được nâng lên vùng hẹp 1.050-1.080 trong trường hợp chưa đủ lực để bứt phá và còn đó những cơ hội giao dịch.
Đánh giá về thanh khoản, vị chuyên gia DSC nhận định thanh khoản là một trong những tín hiệu đang được cải thiện những phiên gần đây. Tuy vậy, dòng tiền mới chưa gia nhập thị trường nhiều, chủ yếu là những người chơi cũ chấp nhận rủi ro cao hơn và tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hoặc dùng margin nhiều hơn đôi chút.
"Những tín hiệu tích cực đầu tiên đã xuất hiện, nhưng có lẽ cần một cú hích thực sự về chuyển biến vĩ mô/chính sách để dòng tiền mới thực sự gia nhập. Năm 2022 quá 'đau thương' khiến dòng tiền vẫn chưa thực sự quay trở lại mạnh mẽ, hiện tại chủ yếu vẫn là những tay “bạc già” trụ lại thị trường", ông Huy nêu rõ.
Trong thời gian tới, chuyên gia nhận định diễn biến chung của khối ngoại sẽ không có nhiều đột biến khi quãng thời gian giữa năm, khối ngoại thường trầm lắng.Có một điểm cộng là bối cảnh thế giới đang khá ổn định.
Về câu chuyện luân chuyển nhóm ngành, hiện tại gắn liền với chuyển biến chính sách. Các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách sẽ tích cực hơn phần còn lại. "Chúng ta đang ở vùng đáy vĩ mô, nên thứ tự luân chuyển sẽ theo đà phục hồi của nền kinh tế, ưu tiên Chứng khoán, Ngân hàng, Bán lẻ (vào quý 3, quý 4), các doanh nghiệp sản xuất... Nhà đầu tư có thể lướt sóng nhóm Dầu khí & Bất động sản, nhưng cần lưu ý về cơ bản nhóm BĐS chưa sớm cải thiện", chuyên gia Bùi Văn Huy đánh giá.
Trên quan điểm của ông Huy, việc mua vào cổ phiếu phải chọn lọc kỹ, bởi tính phân hóa rất cao. Nhà đầu tư nếu “nhắm mắt” mua cổ phiếu mà không chọn lọc, khả năng cao sẽ thua lỗ, minh chứng rõ ràng là nhiều cổ phiếu, kể cả cổ phiếu lớn vẫn liên tục giảm trong thời gian gần đây.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia từ DSC đưa ra khuyến nghị lúc nào cũng nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở một mức nhất định, bởi cung đã 'trơ' và nhiều nhóm cổ phiếu đang dần trở lại, việc tăng hay giảm tỷ trọng sẽ tùy vào bối cảnh thị trường.
Thời điểm hiện tại, NĐT nên giữ tỷ trọng vừa phải, khoảng 50/50 giữa tiền và cổ phiếu, khi thị trường thực sự bứt phá qua vùng sideway, có thể tăng thêm tỷ trọng.
'Cú hích' từ chính sách giúp VN-Index hướng đến các cột mốc cao hơn
Chung quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty CPCK VNDIRECT đánh giá thanh khoản thị trường trong tuần vừa qua là điểm sáng khi tiếp tục cải thiện so với tuần trước đó. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt, dòng tiền trong nước đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán. Tuy nhiên để thị trường có thể bứt phá qua vùng 1.080 - 1.100 điểm, cần thêm những thông tin hỗ trợ từ chính sách trong nước.
Cụ thể, ông Hinh cho biết nhà đầu tư đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. "Những chính sách này nếu được thông qua trong thời gian tới có thể là 'cú hích' để chỉ số VN-Index thiết lập lại xu hướng tăng điểm và hướng đến các cột mốc cao hơn trong giai đoạn tới", chuyên gia cho hay.
Nhận định xu hướng tuần tới, ông Hinh đưa ra chiến lược nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng quanh 1.050 - 1.055 điểm (tương đương vùng hội tụ của 3 đường MA20, MA50 và MA100). Theo đó, cần ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và đang có sức mạnh giá trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí).
Ngược lại, kháng cự mạnh của VN-Index là vùng 1.080 - 1.100 điểm. Nhà đầu tư lưu ý không nên mua đuổi giá cao nếu chỉ số VN-Index tiến sát đến vùng kháng cự kể trên.
Cân nhắc giải ngân tại các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách
Điểm lại sự kiện tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho biết chính sách đáng chú ý nhất là Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, tầm nhìn của chính sách mang tính chất dài hạn (2030-2050), do đó sẽ cần thời gian để thẩm thấu các thông tin này vào kết quả hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nội dung chính của Quy hoạch điện VIII đã được thể hiện qua các bản Dự thảo trước và không gây bất ngờ cho thị trường khi văn bản cuối cùng của Chính sách được thông qua.
Với bối cảnh thiếu vắng tin tức hỗ trợ như hiện nay, dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành. Chỉ số tiếp tục tích luỹ quanh vùng 1.060-1.070 điểm cho thấy áp lực bán không quá lớn và tâm lý nhà đầu tư tương đối ổn định.
Trong trường hợp diễn biến quốc tế, đáng chú ý nhất là vấn đề trần nợ công của Mỹ được giải quyết và lãi suất điều hành thời gian tới tiếp tục hạ nhiệt, vị chuyên gia Agriseco kỳ vọng dòng tiền tham gia thị trường sẽ mạnh mẽ hơn và xu hướng biến động của chỉ số cũng rõ ràng hơn.
Mặt khác, động thái mua ròng đột biến phiên cuối tuần của khối ngoại tập trung chính vào cổ phiếu STG, nếu loại bỏ phần đột biến này, khối ngoại vẫn bán ròng 500 tỷ đồng trên HSX. Điểm tích cực là khối ngoại đã có thêm một tuần mua ròng nhẹ tại nhóm vốn hoá lớn (khoảng 30 tỷ đồng), giúp giữ nhịp chỉ số.
Theo quan điểm của ông Khoa, diễn biến của khối ngoại thời gian tới sẽ chủ yếu nghiêng về mua ròng nhẹ, khi hiện tại thị trường đang đón chờ dòng vốn từ quỹ CTBC Vietnam Equity Fund tham gia ở thời điểm này.
Đồng thời, trước kỳ vọng lãi suất điều hành tiếp tục giảm thời gian tới, nhóm chứng khoán cũng sẽ là ngành cần chú ý trong môi trường lãi suất thấp.
Dự báo diễn biến thị trường tuần tới, chuyên gia Agriseco kỳ vọng các thông tin tích cực về điều hành lãi suất có thể xuất hiện và ảnh hưởng khả quan tới thị trường chứng khoán. Ngoài ra, diễn biến trần nợ công tại Mỹ trong trường hợp được giải quyết cũng sẽ là yếu tố khả quan, hỗ trợ dòng tiền khối ngoại.
Chuyên gia Agriseco đánh giá, hiện tại vẫn là thời điểm thích hợp để có thể giải ngân và chờ đợi các thông tin tích cực được công bố, thay vì mua đuổi tại các nhịp tăng giá.