Thị trường chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch kém sắc khi số mã giảm giá ngập tràn ngay từ đầu phiên sáng cho thấy tâm lý bi quan vẫn chưa thể dừng lại. Dòng tiền tỏ ra thờ ơ càng khiến các nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Hoá chất, Chứng khoán, Bán lẻ, Xây dựng, Điện,… giảm điểm. Rổ VN30 có tới 26/30 cổ phiếu giảm điểm, trong đó, 11 mã giảm sàn. Ngược lại, hàng loạt cổ phiếu trụ tăng điểm mạnh mẽ như VIC, HPG, TPB, MSN.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 29,14 điểm (-3,1%) xuống 911,9 điểm. HNX-Index giảm 7,66 điểm xuống 175,78 điểm và UPCoM-Index giảm 3,51 điểm xuống 63,3 điểm. Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ mua ròng mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.206 tỷ đồng.Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường.
Thị trường chưa thể tạo đáy tại vùng điểm hiện tại
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá việc gần 200 mã dư bán sàn cho thấy dòng tiền đang liên tục rút ra khỏi thị trường và chưa có bất cứ tín hiệu rõ ràng nào cho thấy thị trường tạo được sự cân bằng. Lực cầu về cuối phiên khi VN-Index giảm về mốc 900 điểm đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm và đóng cửa tại 911 điểm. Các chỉ báo vẫn đang hướng xuống tiêu cực nên chưa thể khẳng định rằng VN-Index sẽ nhanh chóng tạo đáy tại đây. Nếu lực cầu quay trở lại, chỉ số chính của thị trường có thể sẽ tạo được điểm cân bằng quanh khu vực 900 điểm. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường, chờ đợi những diễn biến tích cực hơn thay vì giải ngân bắt đáy sớm.
Tín hiệu tại nhóm cổ phiếu bất động sản là quan trọng
Theo Chứng khoán MBS, Chỉ số VN-Index đã giảm gần 40% kể từ đầu năm, mức giảm mạnh chỉ sau năm 2008. Đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số và chưa có dấu hiệu tạo vùng cân bằng hay vùng đáy mới khi vẫn có hàng trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn. Về thanh khoản, hiện tại chỉ còn khối ngoại tham gia bắt đáy trong khi dòng tiền nội ngày càng cạn kiệt. MBS cho rằng việc chỉ số VN-Index “hạ cánh” ở vùng nào không quan trọng bằng nhu cầu thanh khoản lúc này, do vậy các nhịp hồi luôn bị hạn chế do áp lực bán ra vẫn còn mạnh. MBS nhận định nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tín hiệu quan trọng để xác định tín hiệu của thị trường, lực cầu xuất hiện tốt ở những cổ phiếu này thì thị trường mới có cơ hội để hồi phục. Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường quan sát.
VN-Index có thể phục hồi trở lại từ vùng 900 điểm
Có quan điểm tích cực hơn đôi chút, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng chính sự thiếu vắng dòng tiền và diễn biến tiêu cực của nhóm bất động sản vẫn đang là yếu tố rủi ro tạo áp lực giảm điểm lên thị trường trong giai đoạn này. Tuy vậy, việc VN-Index đang ở vùng định giá thấp P/E khoảng 10,x lần trong bối cảnh phần lớn các nhóm cổ phiếu đã ở trạng thái quá bán ngắn hạn được kỳ vọng sẽ giúp thị trường không mất vùng hỗ trợ quan trọng quanh 900 điểm. BVSC dự báo thị trường có thể tăng điểm trở lại từ vùng hỗ trợ quanh 900 điểm. Theo đó nhà đầu tư tiếp tục phân bổ nguồn lực để tham gia mua dò đáy với tỷ trọng thấp tại vùng 840-900 điểm. Lưu ý phân bổ thành vài lần giải ngân và tổng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục không quá 30%.
Xu hướng ngắn hạn vẫn suy yếu
Theo Chứng khoán SHS, VN-Index tiếp tục giảm điểm dưới áp lực bán tháo, giải chấp và đà giảm đang có xu hướng lan rộng hơn sang nhiều nhóm ngành. Khối lượng giao dịch giảm nhẹ nhưng vẫn trên mức trung bình thể hiện áp lực bán vẫn ở mức cao. Hiện, xu hướng ngắn hạn vẫn suy yếu khi tạo các đáy sau thấp hơn đáy trước và thị trường chỉ có thể tìm được điểm cân bằng khi áp lực bán giải chấp tại các mã cổ phiếu giảm bớt, vùng hỗ trợ gần nhất với chỉ số là 861 điểm - 900 điểm.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại và thoát khỏi xu hướng hiện nay; có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư. Ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao.
Các mốc hỗ trợ tâm lý không có nhiều ý nghĩa trong hiện tại
Chứng khoán TVSI nhận định áp lực bán trên bình diện chung của thị trường vẫn quá lớn so với khả năng hấp thụ của dòng tiền, số lượng cổ phiếu giảm và giảm sàn chiếm áp đảo. Lực bán chủ yếu vẫn từ hoạt động giải chấp cộng với tâm lý kém tích cực của người cầm cổ phiếu. Dòng vốn ngoại tiếp tục mua vào quyết liệt phiên thứ ba liên tiếp nhưng cũng không ngăn được tâm lý bán tháo của thị trường chung. TVSI cho rằng đà giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên tới và các mốc hỗ trợ tâm lý hiện không nhiều ý nghĩa khi tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải.