Đây là mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành liên quan phải tập trung dành nguồn lực và ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Công nhân thiếu nhà ở
Với mức lương tổng thu nhập 17 triệu đồng/tháng của cả hai vợ anh Quang làm công nhân ở Sóc Sơn - Hà Nội chỉ có thể thuê nhà chứ chưa bao giờ dám ước mơ mình mua được 1 căn nhà nhỏ ở ngoại ô.
Gia đình có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ của anh Quang hàng ngày sinh sống tại một căn nhà có diện tích 30m2 thuê ngay trong khu dân cư với giá 2 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại, gia đình anh Quang tằn tiện chi tiêu cho con cái học hành và tích luỹ phòng khi đau ốm.
Thấy ở một số khu vực của Bắc Ninh có nhà ở công nhân cho thuê mua, anh cũng mong muốn ở Sóc Sơn có những dự án như thế để cho công nhân được cơ hội thuê, mua để bảo đảm đời sống.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, tỉnh này hiện có 12/16 KCN đi vào hoạt động, với hơn 330 nghìn công nhân; trong đó, hơn 75% là lao động ngoại tỉnh, hơn 100 nghìn công nhân lao động đang phải thuê trọ trong các khu dân cư. Còn tại Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có khoảng 230 nghìn công nhân lao động. Nhu cầu nhà ở công nhân lớn nhưng chưa đáp ứng được hết.
Một điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào năm 2020 cũng cho thấy, có 67,3% công nhân đang phải thuê nhà trọ để ở. Còn báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp hồi tháng 8/2022 cho biết, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.
Với kết quả này, việc phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn, do đó việc phát triển NƠXH cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ về nhà ở công nhân, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)cho biết, năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Ưu điểm của thiết chế là đầy đủ hạ tầng đường, điện, hệ thống cấp nước, cây xanh, công trình văn hoá, nhà trẻ… Sẽ không bị tính vào giá bán căn hộ để công nhân được hưởng ưu đãi. Đây được đánh giá là giải pháp nhân văn, bù đắp cảnh thiếu hụt nhà ở cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, đề án gần như chưa triển khai được nhiều, gặp khó khăn vướng mắc.
Khó khăn nhất là việc địa phương giao đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng thiết chế nhà ở. Bởi tại Điều 54 và Điều 55 Luật Đất đai 2013 thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Điều này dẫn đến thực tế, thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thiện xong từ năm 2019 nhưng vẫn phải bỏ không đến năm 2020 vì Tổng Liên đoàn không thể thực hiện việc bán mà chỉ cho thuê.
Theo Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đệ trình (Đề án), mục tiêu từ năm 2017 - 2020, Tổng Liên đoàn phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng 50 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; phấn đấu đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.
Tuy nhiên, đến nay, ngoài dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thành với 5 tòa nhà thì chưa có nhiều dự án thiết chế công đoàn đi vào đời sống phục vụ nhu cầu của công nhân người lao động tại các khu công nghiệp.
Cần đồng bộ các giải pháp
Theo ông Lê Văn Nghĩa, thiết chế công đoàn có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ mang lại đời sống tinh thần mà cả lợi ích kinh tế, để công nhân an cư lạc nghiệp, tái tạo sức lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ điều chỉnh quyết định 655/QĐ-TTg để có thể kết hợp với UBND các tỉnh và nhà đầu tư liên quan xây dựng nhà ở trong thiết chế công đoàn. Dự kiến trong năm 2023 có thể thực hiện được thiết chế ở Bình Định, Cần Thơ, giai đoạn 2 Hà Nam, Vĩnh Phúc… nhưng để hoàn thành phụ thuộc vào nhà đầu tư, vào đối tác và sự quan tâm của tỉnh kêu gọi sự đầu tư.
“Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai để đưa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào trong đối tượng được xây nhà ở cho công nhân”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, trên cả nước ngoài thiết chế ở Hà Nam, hiện ở Tiền Giang đang xây dựng nhà văn hoá; ở Bình Định thiết chế văn hoá dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2023 này. Còn riêng hạng mục xây dựng nhà ở, cả hai địa phương này đều đang kêu gọi nhà đầu tư.
Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan, trình Chính phủ.
Cùng với gói hỗ trợ ưu đãi 120.000 tỷ đồng NHNN cam kết giảm lãi suất cho vay và 110.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Xây dựng ưu tiên cho lĩnh vực NƠXH, nhà ở công nhân, đây có thể sẽ là cú hích cho phân khúc nhà ở này trong thời gian tới.