Goldman Sachs kỳ vọng nhu cầu cao kỷ lục trên thị trường dầu mỏ sẽ đẩy giá dầu thô lên cao hơn trong tương lai gần.
“Chúng tôi dự đoán mức thâm hụt khá lớn trong nửa cuối năm nay. Mức thâm hụt có thể đạt gần 2 triệu thùng/ngày trong quý III do nhu cầu đạt mức cao chưa từng có”, Daan Struyven, người đứng đầu bộ phân nghiên cứu dầu mỏ của Goldman nói trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC hôm 24/7.
Ngân hàng này dự báo dầu thô Brent sẽ tăng từ mức hơn 80 USD/thùng hiện nay lên 86 USD/thùng vào cuối năm. Hiện dầu thô Brent được giao dịch ở mức gần 82,5 USD/thùng trong khi dầu WTI là hơn 78,5 USD/thùng.
Giá dầu thô bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 7/2023.
Struyven thừa nhận sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng đáng kể trong năm qua lên 12,7 triệu thùng/ngày nhưng tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong suốt phần còn lại của năm 2023.
“Chúng tôi dự đoán tăng trưởng nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể với tốc độ khoảng 200 thùng/ngày kể từ đây”, ông nói, đồng thời chỉ ra sự sụt giảm số lượng giàn khoan. Số liệu này được sử dụng như một chỉ báo về hoạt động khoan và sản lượng trong tương lai.
Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ gần đây chạm mức thấp nhất trong 16 tháng, giảm 15% so với mức đỉnh cuối năm 2022, theo một báo cáo gần đây của Goldman, trích dẫn dữ liệu từ Baker Hughes và Haver.
Struyven cho rằng việc thiếu một thỏa thuận sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng G20 cho thấy sự không chắc chắn về nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn. Các bộ trưởng năng lượng của G20 đã gặp mặt tại Ấn Độ vào cuối tuần qua nhưng rời đi mà không đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.
Hồi tháng 6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu đang trên đà tăng 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023, trên đà tăng 2,3 triệu thùng/ngày của năm trước. Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế Joseph McMonigle dự báo Trung Quốc và Ấn Độ gần như chiếm trọn mức tăng trong nửa cuối 2023 với khoảng 2 triệu thùng/ngày.