Năm 2022, Google cam kết sẽ đàm phán công bằng với các tổ chức tin tức của Pháp trước khi sử dụng nội dung của họ. Cam kết này được đưa ra chỉ một năm sau khi Cơ quan Cạnh tranh Pháp phạt gã khổng lồ công nghệ Mỹ đến 500 triệu euro vì tranh chấp bản quyền đối với nội dung trực tuyến.
Được biết, năm 2019, một số tổ chức tin tức lớn nhất của Pháp, bao gồm cả hãng thông tấn Pháp Agence France Presse (AFP) đã nộp đơn kiện lên cơ quan quản lý. Tranh chấp dường như đã được giải quyết khi gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ từ bỏ kháng cáo và chấp nhận đóng phạt 500 triệu euro.
Theo cam kết, gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đưa ra đề nghị bồi thường cho các nhóm tin tức trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận được khiếu nại bản quyền. Tuy nhiên, mới đây, cơ quan chức trách Pháp cho biết đã áp dụng mức phạt mới với Google vì công ty này đã vi phạm 4 trong số 7 điều khoản của cam kết đã được thống nhất trong thỏa thuận dàn xếp năm 2022 và không đàm phán “thiện chí” với các nhà xuất bản tin tức.
Google chấp nhận mức phạt trong hòa bình
Cơ quan quản lý cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng sử dụng nội dung từ các cơ quan báo chí để đào tạo nền tảng trí tuệ nhân tạo của mình – Bard (hiện được gọi là Gemini) mà không thông báo cho họ hoặc cơ quan quản lý.
Google cho biết công ty đã không cung cấp cho các nhà xuất bản và hãng tin một giải pháp kỹ thuật cho phép họ phản đối việc sử dụng nội dung của họ, "cản trở" khả năng đàm phán thù lao của họ.
Cơ quan giám sát cho biết Google đã đồng ý "không tranh chấp" giải quyết khiếu nại một cách hòa bình và đề xuất "một loạt biện pháp khắc phục" để đối phó với những sai sót được cơ quan chức năng xác định.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Google cho biết mức phạt chưa thực sự hợp lý và không “xem xét đầy đủ những nỗ lực mà chúng tôi đã thực hiện để trả lời và giải quyết các mối lo ngại được nêu ra – trong một môi trường rất khó để thiết lập lộ trình vì chúng tôi không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra”.
Công ty cho biết: “Chúng tôi đã giải quyết xong vì đã đến lúc phải tiếp tục”. Đồng thời lưu ý họ đã ký “một số lượng đáng kể các thỏa thuận cấp phép” với 280 nhà xuất bản tin tức của Pháp theo Chỉ thị Bản quyền Châu Âu. Năm 2019, EU đề xuất và thực thi một bản quyền mới được gọi là "quyền lân cận" cho phép báo in yêu cầu bồi thường khi sử dụng nội dung của họ.
Quy định bản quyền nội dung tại EU
Theo trang France 24, Pháp là một trong những quốc gia thực hiện tốt nhất các quy định của EU. Theo đó, sau nhiều tranh chấp, dù phản đối, cả Google và Facebook đều đồng ý bồi thường cho một số phương tiện truyền thông Pháp cho các bài báo hiển thị trong tìm kiếm trên web.
Marina Ferrari, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Pháp về các vấn đề kỹ thuật số cho biết: “Thông tin đáng tin cậy, có nguồn gốc và đáng tin cậy là vô giá nhưng các công ty này đã phải trả giá”.
Cựu giám đốc hãng thông tấn lâu đời của Pháp AFP, Pierre Louette, hiện là Giám đốc điều hành của tập đoàn báo Le Parisien-Les Echos, nói: "Sẽ tốt hơn nếu có mức thù lao công bằng hơn nữa cho các nhà xuất bản thay vì tiếp tục nộp phạt cho nhà nước".
Trong khi đó, Google cho biết kể từ khi luật có hiệu lực: "việc thiếu hướng dẫn quy định rõ ràng và các hành động thực thi lặp đi lặp lại đã khiến việc đàm phán với các nhà xuất bản trở nên khó khăn".
Gã khổng lồ công nghệ cho biết cần "rõ ràng hơn" về phương tiện truyền thông nào họ phải trả tiền từ các báo đến hãng tin tức tổng hợp v.v. Gã khổng lồ nêu rõ: “Bây giờ là lúc cần phải rõ ràng về ai và bằng cách nào chúng tôi nên trả tiền để tất cả các bên có thể lên kế hoạch hướng tới một môi trường kinh doanh bền vững hơn”.
Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu khác cũng đã và đang mở điều tra với Google liên quan đến vấn đề nội dung tin tức. Theo đó, Cơ quan giám sát cạnh tranh của Tây Ban Nha đã cáo buộc Google vào năm ngoái về hành vi phản cạnh tranh ảnh hưởng đến các hãng thông tấn và các ấn phẩm báo chí.
Năm 2022, cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức đã tạm dừng cuộc điều tra về dịch vụ News Showcase của Google, sau khi gã khổng lồ công nghệ thực hiện “những điều chỉnh quan trọng” để giảm bớt lo ngại về cạnh tranh.