Năm 2017, Google xuất bản bài nghiên cứu về cải tiến quan trọng của các mô hình máy học do công ty phát triển. Đây là xu hướng của các hãng công nghệ khi chia sẻ nghiên cứu về AI, nhằm thể hiện sức mạnh và trình độ.
Nhờ loạt bài nghiên cứu, Google được xem là công ty dẫn đầu trong việc phát triển và ứng dụng AI. Tuy nhiên trước sự phổ biến nhanh chóng của ChatGPT, động thái đáp trả từ Google không được đánh giá cao.
Lối mòn của Google
Google có những thành tựu đáng ghi nhận với các công trình nghiên cứu AI, bao gồm thiết kế phần cứng, xây dựng nền tảng thử nghiệm, phát triển mô hình máy học và nhiều ứng dụng khác.
Tuy nhiên, Google luôn yêu cầu các dự án AI được đại diện bởi một sản phẩm khác, như Google Maps hay Assistant để tối ưu doanh thu và nhân sự. Do đó, các nhà nghiên cứu AI phải tuân theo chiến lược lối mòn.
Ví dụ, năm 2018, Google trình diễn loạt cải tiến như dùng AI để "tô màu" ảnh đơn sắc trong Google Photos, gợi ý tin tức khi xem bằng Google News, tích hợp Assistant trong Google Maps và một số ứng dụng khác.
Năm 2019, các cải tiến về AI tiếp tục xuất hiện trong loạt dịch vụ như Google Lens, ứng dụng chỉ đường Waze, Live Caption (phụ đề trực tiếp) và dự án hỗ trợ người khó giao tiếp bằng lời nói.
Dù mang đến trải nghiệm tích cực, các cải tiến về AI chỉ được bổ sung vào sản phẩm hiện có. Với những công ty lớn như Google, không dễ thoát khỏi vùng an toàn để ra mắt sản phẩm mới dành riêng cho AI.
Tức tốc đáp trả
Tháng 2/2019, OpenAI giới thiệu mô hình ngôn ngữ GPT-2. Ngay thời điểm đó, công ty thừa nhận mô hình này "quá nguy hiểm để phát hành rộng rãi".
Đến cuối năm 2020, Google sa thải Timnit Gebru, kỹ sư nghiên cứu về đạo đức AI sau khi phát hành bài viết chỉ ra những hạn chế và nguy hiểm của công nghệ.
Theo TechCrunch, 2020 không phải năm nổi bật với ngành AI nói chung, trừ OpenAI khi CEO Sam Altman đích thân kêu gọi cộng đồng ngừng "thần thánh hóa" mô hình GPT-3 bởi nó đã phát triển vượt mức kiểm soát.
Năm 2021 chứng kiến màn ra mắt mô hình ngôn ngữ LaMDA của Google, tuy phần demo không thể hiện nhiều điều.
Những cải tiến về AI được Google công bố rộng rãi vẫn theo chiến lược cũ khi dành cho màn hình thông minh, dịch vụ bản đồ cùng thương vụ mua lại startup tạo avatar bằng AI.
Trong khi đó, OpenAI phát hành DALL-E và ChatGPT lần lượt trong tháng 4 và 12/2022. Trước những dự án liên tục được công bố, Google giới thiệu mô hình chuyển đổi văn bản sang ảnh Imagen vào tháng 5/2022 dù không phát hành rộng rãi.
Khi Meta phát hành Make-A-Video vào tháng 9 cùng năm, Google lập tức đáp trả với Imegen Video.
Sự vội vàng của Google tiếp diễn với ChatGPT, tuy nhiên mối quan tâm của công chúng lần này rất lớn.
Rõ ràng ChatGPT hoàn toàn khác biệt so với những trợ lý như Google Assistant. Khả năng giao tiếp và chắt lọc thông tin của ChatGPT là yếu tố thiếu vắng trên những chatbot trước đó.
Sự bối rối của Google
Không chỉ ChatGPT của OpenAI, bước ngoặt còn đến từ Microsoft. Công ty phần mềm đánh vào sản phẩm phổ biến nhất, mang đến thành công cho Google suốt nhiều năm là dịch vụ tìm kiếm.
Hiện nay, thị phần của Microsoft Bing khoảng 3%, rất thấp so với 92% mà Google Search đang nắm giữ. Thay vì tự tìm cách cải thiện vị thế, Microsoft tận dụng quan hệ đầu tư với OpenAI để tạo ra thách thức cho Google.
Tuy còn nhiều vấn đề đạo đức khi ứng dụng AI vào một số lĩnh vực, công nghệ này đã chứng minh hiệu quả trong việc tổng hợp thông tin để trả lời hầu hết câu hỏi do người dùng cung cấp.
Mô hình ngôn ngữ kết hợp công cụ tìm kiếm đã mang đến lợi thế cho Microsoft. Động thái tích hợp mô hình GPT mới nhất vào Bing và Edge là bước ngoặt trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm và trình duyệt web.
Google rõ ràng không thể đứng yên. Chỉ một ngày trước sự kiện của Microsoft, Google công bố Bard, công cụ trò chuyện tương tự ChatGPT với mô hình ngôn ngữ LaMDA. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở slide thuyết trình.
Cách ra mắt Bard vội vàng đến mức thiếu kiểm tra thông tin. Ảnh minh họa của Google cho thấy Bard trả lời sai câu hỏi về kính viễn vọng đầu tiên chụp ảnh ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời). Sự cẩu thả của Google dường như khiến giới đầu tư lo lắng, đẩy cổ phiếu công ty giảm 8% trong một ngày.
Động thái vội vã khi ra mắt Bard cho thấy Google chưa sẵn sàng thử nghiệm và phát hành rộng rãi chatbot. Rõ ràng công ty không muốn tích hợp chatbot dang dở vào công cụ tìm kiếm. Dù vậy trong tình cảnh bắt buộc chuyển mình, những gì xảy ra cho thấy Google đang bối rối tột độ.
Google vẫn giữ vị thế hãng công nghệ lớn với lợi nhuận cao trong tương lai gần. Dù vậy, niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay khi các thành tựu về AI của công ty trong những năm qua chưa mang đến hiệu quả thực tế.
Vẫn còn thời gian dài để các mô hình ngôn ngữ chứng minh giá trị như công chúng và giới công nghệ kỳ vọng. Tuy nhiên nếu chưa sẵn sàng đổi mới, không chỉ Google mà toàn ngành công nghệ sẽ đối mặt viễn cảnh sụp đổ.
ChatGPT là siêu chatbot đang gây bão mạng xã hội nhiều ngày qua bởi khả năng tương tác giống người. Tuy vậy, công cụ còn nhiều hạn chế khi dữ liệu chỉ được nạp đến cuối năm 2021.
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.