Hàng loạt công cụ AI hỗ trợ đưa tin
Theo Adweek, tháng trước Google đã khởi động chương trình riêng dành cho một số đơn vị xuất bản độc lập, cung cấp cho các tổ chức tin tức quyền truy cập vào bản beta nền tảng trí tuệ nhân tạo tổng hợp chưa được phát hành. Đổi lại, Google sẽ nhận được phân tích và phản hồi.
Một phần thỏa thuận là đơn vị xuất bản sẽ sử dụng bộ công cụ để sản xuất một lượng nội dung đã định trong 12 tháng. Đổi lại, các hãng tin tức nhận khoản trợ cấp hàng tháng lên đến 5 con số (tức hàng chục nghìn đôla) hàng năm, cũng như phương tiện để sản xuất miễn phí nội dung phù hợp với độc giả.
“Hợp tác với bên xuất bản tin tức, đặc biệt là các đơn vị nhỏ, chúng tôi đang trong giai đoạn đầu khám phá các ý tưởng cung cấp công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ công việc của các nhà báo”.
Đại diện Google cho biết: “Suy đoán rằng công cụ này dùng để xuất bản lại tác phẩm của các hãng khác là không chính xác. Chúng tôi đang thiết kế công cụ thử nghiệm này một cách có trách nhiệm để giúp các đơn vị xuất bản địa phương nhỏ sản xuất các bài báo chất lượng cao nhờ sử dụng nội dung thực tế từ các nguồn dữ liệu công cộng - như văn phòng thông tin công cộng của chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế. Những công cụ này không nhằm mục đích và không thể thay thế vai trò thiết yếu của nhà báo trong việc đưa tin, sáng tạo và kiểm tra tính xác thực của các bài báo”.
Các công cụ beta cho phép các tòa báo hạn hẹp nguồn lực tạo ra nội dung tổng hợp hiệu quả hơn bằng cách lập danh mục các báo cáo mới xuất bản của các tổ chức khác (như cơ quan chính phủ, hãng tin lân cận) sau đó tóm tắt và xuất bản dưới dạng bài viết mới.
Theo The New York Times, các thử nghiệm AI thế hệ khác mà Google đã phát hành trong hai năm qua bao gồm Genesis, được cho là có thể tạo ra bài báo hoàn chỉnh, đã trình bày riêng cho một số tòa báo vào mùa hè năm ngoái. Ngoài ra có các công cụ khác như Search Generative Experience (tạm dịch: Trải nghiệm Tổng hợp Tìm kiếm) và Gemini đã sẵn sàng cho cộng đồng sử dụng, có nguy cơ sẽ đảo lộn nhiều nền tảng thương mại của ngành xuất bản kỹ thuật số.
Chương trình này là một phần của Google News Initiative (tạm dịch: Sáng kiến Tin tức Google - GNI), ra mắt vào năm 2018 nhằm cung ứng công nghệ và đào tạo cho các đơn vị xuất bản.
Không thể chối cãi rằng nhiều chương trình của GNI mang lại lợi ích cho các đơn vị tham gia, nhưng GNI chưa được đón nhận rộng rãi.
Google dùng GNI để khơi dậy nguồn tin tức báo chí tích cực và tín nhiệm của ngành trước những tiếng xấu gần đây và giải quyết nhiều vấn đề thương mại cho các tòa báo. Giám đốc điều hành Digital Content Next - Jason Kint - cho biết đây đều là mục tiêu Google hướng đến ngay từ đầu.
Kint nói: “Động thái vĩ mô hơn là Google đang tham gia hoạt động lập pháp và thực thi chống độc quyền trên toàn cầu về vấn đề thu lợi nhuận từ thế giới xuất bản. Thay vì từ bỏ một phần doanh thu đó, Google tập trung vào khía cạnh chi phí với các đơn vị chưa có chỗ đứng và ít khả năng thương lượng nhất”.
Phụ thuộc vào nguồn tin ngoài, GNI có thực sự đóng góp cho báo chí?
Google lần đầu kêu gọi các tổ chức tin tức đăng ký thử nghiệm công nghệ mới trong ấn bản tháng 10 của Local Independent Online News. GNI chào đón các đơn vị xuất bản vào tháng 1 và chương trình kéo dài cả năm này đã bắt đầu vào tháng 2. Theo thỏa thuận, các tòa báo tham gia phải dùng nền tảng này để sản xuất và xuất bản ba bài báo mỗi ngày, một bản tin mỗi tuần và một chiến dịch tiếp thị mỗi tháng.
Để sản xuất các bài báo, trước tiên các đơn vị phải soạn danh sách trang web bên ngoài thường xuyên đưa tin liên quan đến độc giả của mình. Kint cho biết các đơn vị sẽ không yêu cầu sự chấp thuận từ phía sở hữu các tài liệu gốc khi trích xuất nội dung của họ, cũng không thông báo về việc sử dụng các nội dunng này. Theo Kint, tiền lệ này có thể gây rắc rối.
Bài viết mới từ các trang web trong danh mục sẽ xuất hiện trên trang tổng quan của nền tảng. Sau đó, đơn vị tin tức có thể áp dụng công cụ AI tạo sinh để tóm tắt bài viết, thay đổi ngôn ngữ và phong cách của báo cáo theo lối viết thời sự.
Bản kết quả đánh dấu bằng các màu khác nhau để biểu thị độ chính xác tiềm năng: màu vàng - ngôn ngữ gần như nguyên văn từ tài liệu nguồn - là chính xác nhất, lần lượt màu xanh lam rồi màu đỏ là phần ít dựa trên báo cáo gốc nhất.
Sau đó biên tập viên (người chứ không phải máy) sẽ quét bản sao để đảm bảo độ chính xác trước khi xuất bản ba bài báo như vậy mỗi ngày.
Nền tảng này không thể thu thập dữ kiện hoặc thông tin chưa được cung cấp ở nơi khác, điểm này hạn chế tính hữu ích đối với các đơn vị tin tức cao cấp.
Các bài viết do nền tảng này sản xuất cũng có thể thu hút lưu lượng truy cập khỏi các nguồn ban đầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Quá trình này giống với kỹ thuật trích xuất mới được sử dụng tại Reach plc, ngoại trừ việc trong trường hợp này, văn bản được lấy từ các nguồn bên ngoài.
Kint nhận định: “Tôi nghĩ điều này đặt ra câu hỏi về sứ mệnh của GNI. Thật khó để biện hộ cho hành vi đánh cắp tác phẩm của người khác nhằm hỗ trợ sứ mệnh cung cấp tin tức. Làm vậy đâu cung cấp được tin gì mới”.
Theo Mark Stenberg/Adweek