Các nhà hàng, tiệm cà phê do Gucci, Dior hay LV vận hành đều có điểm chung là đắt khách dù giá dịch vụ đắt đỏ.
Các thương hiệu đồ hiệu cao cấp đang có xu hướng "lấn sân" và tập trung nhiều cho mảng kinh doanh nhà hàng, như một cách để duy trì hình ảnh sang trọng và tiếp tục thu hút sự chú ý từ những khách hàng trẻ, theo SCMP.
Tại Hàn Quốc, ngày càng nhiều nhà hàng hạng sang theo chủ đề này xuất hiện trong 5-6 năm đổ lại. Trên khu phố Itaewon dành cho giới trẻ, nhà mốt Gucci cho khai trương nhà hàng Gucci Osteria, phục vụ các món ăn do đầu bếp nhà hàng 3 sao Michelin nấu.
Một chiếc hamburger có giá 27.000 won (19 USD), các món khác dao động 120.000-170.000 won. Bất chấp mức giá đắt đỏ, số lượng đặt chỗ trước vẫn hết sạch chỉ sau 4 phút vào ngày đầu mở cửa.
Đắt đỏ nhưng kín chỗ
Hồi tháng 5, hãng đồ xa xỉ của Pháp Louis Vuitton cũng mở một nhà hàng pop-up (mở trong ngắn hạn) mang tên Pierre Sang trong vòng một tháng tại Seoul. Nhanh chóng, khách đặt kín chỗ ngay khi nhà hàng thông báo nhận đặt bàn.
Cộng với việc thành viên J-Hope của nhóm nhạc BTS từng ghé qua dùng bữa, nhà hàng này trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn nhất ở Seoul vào thời điểm đó.
Tận dụng sức hút, Louis Vuitton tiếp tục mở một nhà hàng pop-up thứ hai tại khu phố nhà giàu Cheongdam-dong vào tháng 9. Như lần trước, lượng đặt giữ chỗ nhanh chóng được lấp đầy vào ngày đầu khai trương. Một số người đặt thậm chí rao bán, nhượng lại suất của mình để kiếm tiền lời.
Quán Cafe Dior nằm tại tầng 6 trong cửa hàng flagship lớn nhất của thương hiệu thời trang này đặt tại trung tâm Seoul là nơi thu hút nhiều du khách ghé thăm. Khách hàng vừa có thể thưởng thức cà phê, vừa khám phá các phòng triển lãm trưng bày những kiệt tác làm nên tên tuổi của Dior.
Đầu năm nay, nhà sản xuất đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ Breitling cũng giới thiệu nhà hàng và quán cà phê bên trong cửa hàng của mình. Đây được gọi là cách thức thể hiện hình ảnh sang trọng của thương hiệu thông qua đồ ăn và đồ uống, từ đó thu hút sự chú ý của những dân chơi đồng hồ.
Gentle Monster - thương hiệu kính mắt nổi tiếng của Hàn Quốc - cũng không nằm ngoài xu hướng. Hãng này mở quán cà phê, đồ tráng miệng Nudake bên trong cơ sở có quy mô to nhất ở Apgujeong, Seoul.
Ngoài Hàn Quốc, những mô hình tiệm cà phê, hàng bánh gắn với các cái tên hàng hiệu nổi tiếng cũng có mặt ở nhiều quốc gia khác.
Ngoài cơ sở ở Seoul, Gucci còn mở ra 3 chi nhánh nhà hàng khác. Ở Gucci Osteria Beverly Hill (Mỹ), thực khách dùng bữa cần tuân thủ quy tắc ăn mặc trang phục lịch sự. Để ăn tối ở đây, thực khách cũng phải đặt bàn trước.
Trong vòng 48 tiếng, nhân viên sẽ gọi lại xác nhận và người ăn phải đặt cọc 80 USD/người cho trường hợp không đến. Tuy nhiên, lúc cao điểm, thực khách có thể cần đặt trước 30 ngày mới đến lượt.
Nhà hàng Gucci, Louis Vuitton được mở những vị trí đắc địa hoặc ngay bên trong cửa hàng của hãng, với các món ăn đắt đỏ ngang nhà hàng hạng sang. Ảnh: Korea Times.
Quán cà phê pop-up của thương hiệu đình đám Fendi từng mở tại London (Anh). Nằm trong cửa hàng bách hóa Harrods, Fendi Cafe có vị trí đắc địa và không gian độc đáo. Tất cả nội thất của quán, từ tách cà phê đến những chiếc đĩa đựng bánh, đều được in logo của hãng.
Citron là quán cà phê sang trọng ở Pháp, thuộc sở hữu của thương hiệu túi nổi tiếng Jacquemus. Quán được thiết kế với những tông màu pastel, tạo cảm giác sang trọng và hài hòa. Bánh quả chanh vàng là một trong các món “best seller”.
Bán trải nghiệm thương hiệu cao cấp
Dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy các thương hiệu xa xỉ quảng bá các mặt hàng thời trang của họ trên không gian kỹ thuật số. Cách thức này thành công không chỉ đối với khách hàng ở độ tuổi 20 và 30, mà còn cả những người ở độ tuổi 60 và 70.
Giữa sự thay đổi mô hình lớn này, các thương hiệu cao cấp bắt đầu đầu tư để cung cấp và nâng cấp trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, quảng bá trực truyến trên mạng có giới hạn nhất định.
Từ đó, các nhà mốt bắt đầu mở nhà hàng và quán cà phê. Khách hàng thưởng thức đồ ăn và đồ tráng miệng với không gian, phục vụ đến từ nhãn hàng cao cấp.
Họ phải bỏ ít tiền ra hơn nhiều mà vẫn có trải nghiệm sang chảnh so với việc mua một chiếc túi xách hay quần áo tại cửa hàng - thứ có thể tốn hàng triệu won cho một lần mua sắm ở Hàn Quốc.
Đồ ăn và thức uống giờ là cách nhiều hãng đồ hiệu coi là cách giúp các khách hàng mới nhớ tới bản sắc thương hiệu, thay vì các món túi xách, phụ kiện. Ảnh: Tabetamiwa.
Theo Korea Times, chiến lược này đã được chứng minh độ hiệu quả với những khách hàng trẻ thuộc thế hệ MZ của Hàn Quốc (thế hệ Millennials và thế hệ Gen Z), nhóm người tiêu dùng tiềm năng cho các mặt hàng xa xỉ, bên cạnh nhóm nhà giàu.
Ngoài cung cấp thêm dịch vụ cho khách đến cửa hàng mua sắm và tiện thể ăn uống, những nhà hàng của Gucci, Dior còn hướng tới người trẻ chưa có đủ tài chính để chi tiền sở hữu từ các món rẻ nhất như phụ kiện của hãng nhưng vẫn muốn xài những thứ gắn tên với thương hiệu.
Một trong những lý do khiến các thương hiệu cao cấp tăng cường kinh doanh thực phẩm và đồ uống là vì họ muốn mở rộng trải nghiệm sang lĩnh vực phong cách sống, biến nhà hàng thành nơi quy tụ dân sành ăn.
“Các thương hiệu sang trọng kinh doanh nhà hàng và quán cà phê tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm hơn là lợi nhuận. Đồ ăn, đồ uống để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người tiêu dùng và tạo ra mối liên kết với thương hiệu một cách tự nhiên.
Nói cách khác, đây là một chiến lược tiếp thị tốt để xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với các thương hiệu cao cấp", đại diện của một hãng sang trọng cho biết.
Không giống như các nhà hàng trong khách sạn 5 sao, nhà hàng của Gucci, LV mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm khác nhau thông qua kiến trúc, thiết kế nội thất và các món dao, dĩa được sử dụng.
“Như một phần mở rộng của việc đi xem biểu diễn thời trang, ẩm thực tại nhà hàng của các hãng đồ hiệu mang đến cơ hội cho khách hàng trải nghiệm phong cách sống của tầng lớp thượng lưu bằng cách ăn cùng một món ăn trong cùng không gian với họ”, người này nói thêm.