Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh.
Các bị can bị đề nghị truy tố thuộc Sở này gồm: Vũ Liên Oanh (nguyên Giám đốc), Ngô Vui (nguyên Trưởng phòng kế hoạch tài chính), Hà Huy Long (nguyên Phó Trưởng phòng kế hoạch tài chính), Phạm Thị Hạnh (nguyên Phó Trưởng phòng kế hoạch tài chính).
Các bị can khác gồm Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch NSJ Group), Trần Ngọc Thắng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty MQF), Trần Thị Thanh Xuân (nguyên Tổng Giám đốc công ty MQF), Ngô Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty MQF), Lê Long Hải (nguyên Giám đốc quan hệ khách hàng Khu vực 3, Công ty NSJ), Lê Đại Tấn (nhân viên quan hệ khách hàng Khu vực 3), Phạm Việt Anh (nguyên Phó Phòng dự án, Công ty MQF), Hoàng Thị Minh Tâm (nhân viên Phòng dự án Công ty MQF), Vũ Ngọc Minh (nguyên Giám đốc Công ty Gia Lộc), Hà Thị Thu Huyền (Thẩm định viên Công ty Gia Lộc), Phạm Đức Chính ( Nhân viên thẩm định công ty Gia Lộc).
Các bị can bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Vi phạm đấu thầu, thiệt hại hơn 80 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, Nga có quen biết Oanh từ trước. Khi thực hiện Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục mầm non năm 2016, hai bị can đã trao đổi, thống nhất về việc giao cho nhân viên của Oanh phối hợp với nhân viên của Nga thực hiện lập dự án và cung cấp thiết bị cho gói thầu mua sắm của dự án.
Sau đó, Oanh chỉ đạo Ngô Vui, Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh phối hợp với nhân viên của Nga lập dự án và để cho công ty do Nga chỉ định thực hiện cung cấp thiết bị cho gói thầu mua sắm.
Nga đã phân công, chỉ đạo toàn bộ các phòng, ban, nhân viên cấp dưới thực hiện “quy trình 93 bước” và giao cho Trần Thị Thanh Xuân, Trần Ngọc Thắng phụ trách Khối Giáo dục thực hiện và chỉ đạo toàn bộ mảng công việc liên quan đến thiết bị giáo dục từ khâu lập dự án, tính toán giá sản phẩm, lập hồ sơ dự thầu, làm hồ sơ "quân xanh", "quân chính" để đấu và trúng thầu.
Để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, Oanh đã chỉ đạo cán bộ phối hợp cùng với nhân viên của Hoàng Thị Thúy Nga lập dự án và hợp thức hồ sơ chỉ định thầu cho Công ty VNNews; phát hành Chứng thư thẩm định giá theo đúng giá thiết bị, giá gói thầu và Hoàng Thị Thúy Nga đưa ra.
Sau đó, tạo điều kiện cho Công ty NSJ hoặc Liên danh Công ty Toàn Thịnh - Tràng An do Nga chỉ định trúng gói thầu mua sắm.
Kết luận điều tra cho rằng bà Hoàng Thị Thúy Nga đã chỉ đạo nhân viên Công ty NSJ, MQF tính toán chi phí và lợi nhuận công ty, sau khi trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ và các chi phí không hợp lệ (chiếm khoảng 30%) như chi phí tư vấn, chi phí xử lý tư vấn, chi phí tư vấn dự án hủy (thực chất là tiền chi lại quả cho các cá nhân tại Sở Giáo dục và Đào tạo) thì mỗi gói thầu công ty phải đạt lợi nhuận từ 8 đến 12%.
Để đảm bảo giá bán các sản phẩm hàng hóa thiết bị giáo dục vào các gói thầu đúng với mức giá dự kiến, Nga chỉ đạo Phòng dự án phối hợp với chủ đầu tư, để chủ đầu tư làm việc với các đơn vị tư vấn thẩm định giá phát hành Chứng thư thẩm định giá và đưa ra đúng mức giá mà Nga đã chỉ đạo.
Bà Nga còn chỉ đạo nhân viên soạn thảo hai loại hợp đồng, gồm hợp đồng mua bán hàng giữa hãng, đại lý sản xuất với các công ty trung gian; hợp đồng mua bán hàng giữa các công ty trung gian với Công ty NSJ hoặc Công ty MQF (hợp đồng nối, giá hàng hóa đã được nâng giá, đẩy giá) và tiến hành các thủ tục vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, nhập khẩu, vận chuyển tập kết hàng đế địa bàn tỉnh Quảng Ninh để chuẩn bị cung cấp cho chủ đầu tư.
Các dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục mầm non và tiểu học sau đó từ năm 2017 đến 2019 thì nhân viên Sở Giáo dục và nhân viên Công ty NSJ theo nếp cũ cứ thế thực hiện mà Oanh và Nga không cần phải chỉ đạo nhắc lại.
Tổng giá trị 6 gói thầu mua sắm thuộc 6 dự án là hơn 636 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không đủ căn cứ xác định hậu quả thiệt hại của 4 dự án trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018 nên chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với các bị can tại 2 dự án mầm non và dự án tiểu học năm 2019. Trong đó, tổng giá trị các gói thầu mua sắm này là hơn 323 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định hậu quả thiệt hại là hơn 80 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện các dự án, Hoàng Thị Thúy Nga đưa Vũ Liên Oanh 14 tỷ đồng, đưa Ngô Vui 14,8 tỷ đồng và đưa Hà Huy Long hơn 1,8 tỷ đồng.
Thông đồng công ty nước ngoài để gửi giá, nâng giá
Két luận điều tra làm rõ việc mua bán hàng hóa thông qua các công ty nước ngoài để gửi giá, nâng giá.
Theo đó, năm 2016, Công ty NSJ đã ký kết và nhập khẩu hàng hóa trực tiếp các hãng sản xuất nhưng từ năm 2017, công ty ký hợp đồng mua các sản phẩm phục vụ dự án qua các công ty thứ ba tại nước ngoài với mục đích để nâng khống giá từ nước ngoài.
Đơn cử, năm 2016, Công ty NSJ ký trực tiếp với hãng Modular Robotics Incorporated (Mỹ) với giá hơn 31,3 triệu đồng/sản phẩm thì năm 2017, khi ký kết qua Công ty Goden Spring Trading Limited thì giá là hơn 44,8 triệu đồng/sản phẩm…
Năm 2016, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu sau thông quan là hơn 28,3 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu được quyết toán của dự án là hơn 53,7 tỷ đồng, chênh lệnh hơn 25,3 tỷ đồng, tương đương 100%.
Tương tự, năm 2017, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa nhập khẩu sau thông quan là hơn 52,2 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu được quyết toán của dự án là hơn 74,7 tỷ đồng; chênh lệch là 22,3 triệu đồng, tương đương 40%.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty NSJ đã thông đồng với các công ty để nông khống giá từ nước ngoài gồm Công ty Capital Link International Trading Limited (trụ sở Vương quốc Anh nhưng chủ sở hữu là cá nhân quốc tịch Việt Nam), Công ty Golden Spring Trading Limited (trụ sở Hồng Kông), Công ty Hongkong Zhenhao Electronics Co.Ltd (trụ sở ở Trung Quốc, khách hàng chỉ có nhóm các công ty thuộc NSJ).