"Chúng tôi áp dụng những quy định này nhằm đảm bảo an ninh quốc gia", Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết, bổ sung thêm rằng những thiết bị bán dẫn trên có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Quyết định của chính phủ Hà Lan được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gây áp lực buộc các đồng minh của nước này hạn chế xuất khẩu các linh kiện công nghệ cao đến Trung Quốc.
Theo bà Schreinemacher, chỉ "một số ít" các công ty và sản phẩm của nước này bị hạn chế. Vị bộ trưởng này cũng không đề cập đến Trung Quốc trong thông báo của bà.
ASML, doanh nghiệp Hà Lan cung cấp thiết bị then chốt trong quá trình sản xuất chip, cho biết công ty này sẽ không thay đổi hướng dẫn tài chính sau những quy định mới này.
Những luật lệ mới, yêu cầu các công ty chế tạo thiết bị sản xuất chip hiện đại phải xin giấy phép từ chính phủ trước khi xuất khẩu sản phẩm của mình, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/9.
Bà Schreinemacher dự đoán rằng chính phủ Hà Lan sẽ nhận được 20 đơn xin giấy phép mỗi năm, đại diện cho "một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của những công ty tại nước này".
Đi kèm tuyên bố của chính phủ Hà Lan là một tài liệu kỹ thuật liệt kê những thiết bị cần có giấy phép để được xuất khẩu.
Danh sách này được soạn thảo sau quá trình đối thoại giữa Mỹ và 2 đồng minh có ngành sản xuất chip phát triển của nước này là Hà Lan và Nhật Bản.
ASML, tập đoàn công nghệ lớn nhất tại châu Âu, đã nhắc lại tuyên bố được đưa ra vào tháng 3 rằng những mẫu tiên tiến nhất của dòng sản phẩm máy in thạch bản cực tím (DUV) của công ty - dùng trong hoạt động sản xuất chip - sẽ cần có cấp giấy phép xuất khẩu. DUV là dòng sản phẩm hiện đại thứ 2 của ASML.
Trong khi đó, các máy in tia cực tím (EUV) hiện đại nhất của công ty này chưa từng được xuất khẩu đến Trung Quốc.
ASML đã bị hạn chế bán máy EUV mà không có giấy phép trong khuôn khổ một hiệp định quốc tế được gọi là Thỏa thuận Wassenaar. Các quy định mới của chính phủ Hà Lan cũng khẳng định việc xuất khẩu máy móc sử dụng công nghệ EUV cũng cần phải xin giấy phép của nước này.