Theo đó, UBND TP. Hà Nội nêu rõ mức hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã, phường quản lý, đất do hợp tác xã quản lý có nguồn gốc là đất nông nghiệp mà các hộ dân xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định.
Cụ thể, căn cứ mục đích sử dụng đất tại thời điểm thu hồi để xem xét hỗ trợ khác bằng 30% (đối với trường hợp chuyển đổi trước ngày 15/10/1993) và 20% (đối với trường hợp chuyển đổi từ sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004) đơn giá đất ở hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí (mục đích đang sử dụng) theo giá quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND TP. Hà Nội đối với diện tích thực tế có công trình xây dựng nhà và công trình để ở hoặc sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất ở tối đa đối với chủ sử dụng.
Về việc hỗ trợ đối với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được công nhận là đất ở, ngoài việc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, sẽ được hỗ trợ khác bằng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Tổng diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với đất nông nghiệp, hỗ trợ khác bằng mức chênh lệch chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm giữa thửa đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề.
Với công trình xây dựng trên đất, UBND TP. Hà Nội chấp thuận hỗ trợ khác đối với công trình xây dựng là nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt thiết yếu, gồm: bếp, giếng, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân, cổng, đường vào nhà, rãnh, chuồng trại chăn nuôi, tường rào bao quanh thửa đất của hộ gia đình xây dựng trên diện tích đất không được công nhận là đất ở.
Cụ thể, tổng mức hỗ trợ gồm mức hỗ trợ theo Điều 14 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố và mức hỗ trợ khác (cho từng công trình xây dựng) không vượt quá mức bồi thường công trình theo quy định. Việc áp dụng chính sách hỗ trợ khác nói trên phải đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, số khẩu, số hộ thực tiễn tại thửa đất bị thu hồi.
Các công trình xây dựng còn lại thì không áp dụng chính sách hỗ trợ khác.
Về hỗ trợ di chuyển mộ, để động viên người sử dụng đất khi bị thu hồi đất di chuyển mộ sớm, đáp ứng tiến độ dự án, ngoài được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, UBND thành phố hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/ngôi mộ cho trường hợp di chuyển mộ để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
UBND các quận, huyện, thị xã thu hồi đối với trường hợp các thửa đất có chiều sâu dưới 3m; phần diện tích này được cập nhật ngay vào ranh giới thu hồi đất, được đưa chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư của dự án. UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đối với diện tích này.
Đối với phần diện tích đất còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, thành phố thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo chính sách được UBND thành phố chấp thuận cho các dự án điện do Tổng Công ty điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư tại Văn bản số 5457/UBND-ĐT ngày 30/10/2017 của UBND thành phố. UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đối với diện tích này.
Về tái định cư, để đảm bảo chính sách tái định cư trên toàn tuyến, chấp thuận tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại khu vực quận Hà Đông có đủ điều kiện được bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn phường nơi có đất ở thu hồi, phải di chuyển chỗ ở được tái định cư bằng đất tại khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện Thanh Oai.
UBND thành phố yêu cầu, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - đoạn thành phố Hà Nội và các dự án phục vụ cho dự án đường Vành đai 4, UBND các quận, huyện kịp thời tổng hợp vướng mắc phát sinh ngoài cơ chế, chính sách nêu trên, đề xuất UBND thành phố xem xét, đảm bảo yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.