Trước tình trạng đêm 4/11, nhiều người dân Hà Nội dù đi qua ba cửa hàng xăng dầu vẫn không đổ được xăng, Bà Trần Thị Phương Lan - quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – khẳng định: hiện Hà Nội vẫn đang đảm bảo cao nhất nhu cầu cho người dân trong việc mua xăng dầu.
Tính đến ngày 4/11, chỉ có 8 cửa hàng xăng dầu hết xăng cục bộ. Theo báo cáo của các cửa hàng, hôm nay 5/11, xăng đã về để cửa hàng bán bình thường. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ để cung cấp xăng cho các cửa hàng.
Hiện nay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu có 493 cửa hàng. Trong đó, có 20 cửa hàng xăng dầu đang ngừng bán, không hoạt động kinh doanh được phép đóng cửa hàng do hết hợp đồng thuê đất, đang trong quá trình chuyển giao cho đơn vị khác, đang giải quyết tranh chấp, không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cải tạo sửa chữa.
Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, hơn 20 thương nhân phân phối có hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường Hà Nội.
Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội bình quân 1 tháng khoảng 146.500 m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.750 m3; dầu khoảng 48.750 m3. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu xăng dầu tăng đột biết, trung bình khoảng 20%, tương đương 175.800 m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%).
Nhu cầu xăng dầu tăng đột biến như trên, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, nguyên nhân là do ngoài việc phục vụ trên 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Hà Nội tiếp tục phục vụ thêm một số khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận do các đơn vị này cũng thiếu nguồn cung. Điều này gây áp lực rất lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh xǎng dầu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung, thiếu cửa hàng xăng dầu trong khu vực nội thành Hà Nội, một số cửa hàng rất nhỏ, bể chứa nhỏ, nguồn dự trữ xăng dầu ít... là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ.
Khi hết hàng, các cửa hàng phải tạm dừng bán để chờ xe téc về nhập hàng. Theo báo cáo của các thương nhân phân phối xăng dầu, việc lấy hàng từ kho của các doanh nghiệp đầu mối hiện cũng gặp nhiều khó khăn, có thời điểm xe téc tập trung lấy hàng tại kho lên tới 400 xe/ngày.
Bên cạnh đó xe téc chở xăng dầu thuộc danh mục hạn chế thời gian hoạt động tại khu vực nội thành, nên việc tiếp xăng dầu cho cửa hàng không được kịp thời.
Để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án đảm bảo, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Đồng thời, tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa trong Thành phố.
Với các cửa hàng bán lẻ, yêu cầu không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương...
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội cho hay, qua tổng hợp báo cáo nguồn hàng quý IV/2022 của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau: Các doanh nghiệp đầu mối vẫn đảm bảo nguồn hàng theo kế hoạch, không có kiến nghị về khó khăn vướng mắc.
Đối với các thương nhân phân phối xăng dầu, trung bình một thương nhân xăng dầu ký hợp đồng lấy hàng từ 7 đến 10 đầu mối. Theo báo cáo của các thương nhân phân phối, thời gian gần đây (từ cuối tháng 9/2022), các thương nhân phân phối phản ánh việc nguồn hàng khó khăn, nhiều thương nhân đầu mối từ chối cấp hàng cho thương nhân phân phối để tập trung nguồn hàng cho các cửa hàng trực thuộc và các đại lý thuộc hệ thống; do đó, nguồn hàng của các thương nhân phân phối không ổn định.
Với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu lấy hàng của các thương nhân đầu mối (chủ yếu là Petrolimex và PVOil) đa số các cửa hàng báo cáo được cung cấp đủ hàng như hợp đồng đã ký với doanh nghiệp đầu mối, một số cửa hàng báo cáo nguồn hàng cung cấp cho cửa hàng chỉ khoảng 80% so với tháng trước, tuy nhiên, lượng cung cấp mỗi lần nhỏ giọt, tương đương sản lượng trung bình bán ra trong vòng 1-2 ngày của cửa hàng. Việc lấy hàng tại kho của các đầu mối cũng gặp khó khăn.
Ngày 3/11, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đi kiểm tra tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án bảo đảm, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh; tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa trong Thành phố. Với các cửa hàng bán lẻ, yêu cầu không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương...
Sở cũng đã đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu liên quan đến việc tính giá cơ sở, bảo đảm chiết khấu cho các cửa hàng kinh doanh để có lãi và đáp ứng chi phí tương đương với giá xăng dầu diễn biến trên thị trường.
Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công Thương, về việc cho phép xe bồn vận chuyển xăng dầu 24/24 giờ tại khu vực nội thành.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3694/UBND-KTN về việc thực hiện Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Theo đó, để bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, UBND Thành phố giao Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn Hà Nội;
Đồng thời rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố để có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; phối hợp Cục Quản lý thị trường rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trước 17h hằng ngày.
Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu, trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định…
Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đóng mở của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận, huyện, thị xã; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường hỗ trợ việc phân luồng, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực có cửa hàng xăng dầu tập trung đông người; giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép để trục lợi, gây mất trật tự an ninh, không bảo đảm chất lượng, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an Thành phố hướng dẫn, thực hiện thủ tục cấp phép cho các phương tiện chở xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp xăng dầu, kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân.
Quỹ Đầu tư và phát triển Thành phố nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Công Thương về việc cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn ưu đãi lãi suất thấp theo đúng quy định hiện hành.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cam kết bảo đảm đủ nguồn cung cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ, chia sẻ nguồn hàng với các thương nhân khác trong những thời điểm khó khăn về nguồn nhằm bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định thị trường xăng dầu phục vụ nhân dân…