Ngày 3/11, Sở Công Thương Hà Nội đi kiểm tra tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn sau khi có phản ánh nhiều cây xăng đóng cửa hoặc bán giới hạn cho người dân.
Theo đại diện Sở Công Thương, thành phố hiện có 6 doanh nghiệp đầu mối và gần 20 thương nhân phân phối phục vụ cung ứng xăng dầu.
Gần đây, một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu nên người dân, doanh nghiệp đang đổ dồn về thị trường Hà Nội mua xăng.
"Điều này tạo nên sức ép rất lớn đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố", đại diện Sở Công Thương thông tin và cho biết trước đây, nhu cầu sử dụng xăng dầu ở Hà Nội là khoảng 146.000 m3/tháng nhưng đã tăng lên 20% trong hai tháng gần đây.
Ngoài ra, đơn vị lý giải với một số cửa hàng nhỏ, dung tích bể chứa có hạn trong khi nhu cầu tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ và phải chờ nhập hàng.
Đồng thời, một số cửa hàng khống chế số lượng bán ra cho khách để hạn chế tình trạng thiếu hàng.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong số 493 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, hiện chỉ có 20 cửa hàng đang được sở cho phép đóng cửa để cải tạo, sửa chữa; khoảng 360 cửa hàng (73%) do các đơn vị đầu mối cung cấp, bảo đảm đầy đủ nguồn cung và phục vụ không hạn chế.
Còn lại, 27% tương đương hơn 130 cửa hàng là nhập từ các thương nhân phân phối.
Với việc số cửa hàng này gặp khó khăn trong nguồn cung, sở khuyến cáo người dân sang mua hàng ở các cây xăng của doanh nghiệp đầu mối để được phục vụ đầy đủ.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu ở Hà Nội tăng 15-20% do nhu cầu sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Sở Công Thương Hà Nội đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên quan đến việc tính giá cơ sở, bảo đảm chiết khấu cho các cửa hàng kinh doanh.
Cùng ngày, UBND Hà Nội có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công Thương, về việc cho phép xe bồn vận chuyển xăng dầu 24/24 giờ tại khu vực nội thành.
Theo đó, thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an Hà Nội nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện; kiểm soát về số lượng xe, lộ trình, khung giờ vận chuyển và thời gian thực hiện.
Hà Nội cũng giao Quỹ đầu tư và phát triển thành phố nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Công Thương về việc cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp theo quy định hiện hành. Việc này báo cáo UBND thành phố trước ngày 8/11.