Trong khi đó, các thành phố lớn như Singapore mỗi năm đều xây dựng mới những công trình biểu tượng, trở thành điểm tham quan du lịch, thu hút hàng trăm nghìn du khách, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.
Nhắc đến Hà Nội - người ta nhớ đến một thủ đô nghìn năm văn hiến với những công trình đã trở thành biểu tượng như: Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, hồ Hoàn Kiếm… Đây không chỉ là những công trình có giá trị lớn về mặt kiến trúc, mà còn chứa đựng những câu chuyện gợi nhớ về một thời kỳ đầy thăng trầm, biến động và hào hùng của lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, trong một hội thảo về chiến lược phát triển thành phố sáng tạo được tổ chức vào 9/2020, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương từng đánh giá Hà Nội vẫn nghèo nàn các công trình văn hóa, nhất là các tượng đài, công trình điêu khắc danh nhân của Hà Nội và cả nước.
Thực tế, từ sau 1945 đến nay, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn tư duy nặng về phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa, thiếu vắng những công trình, sản phẩm văn hóa tương xứng với yêu cầu của thời đại mới, tạo ra bước đột phá, vươn tầm thế giới.
“Nghèo” công trình biểu tượng mang tầm quốc tế
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới luôn chú trọng đầu tư hàng trăm triệu USD, chọn lọc những thiết kế độc đáo nhất để xây dựng những "biểu tượng" mới cho riêng mình. Trong số đó, nhiều nhà hát đã trở thành công trình biểu tượng không chỉ đem lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho đất nước, mà còn có ý nghĩa thay đổi, nâng tầm vị thế cho vùng đất, quốc gia đó.
Cụ thể, nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ từng vấp phải nhiều tranh cãi, song giờ đây, mỗi năm nhà hát tổ chức thành công hàng nghìn buổi biểu diễn và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách. Nhà hát Opera Sydney - "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ XX" cũng đón gần 11 triệu du khách tới thăm mỗi năm, là một biểu tượng mà hễ nhắc tới Australia, người ta sẽ nghĩ ngay đến Opera Sydney trong hình dáng con sò.
Hay Singapore mỗi năm đều xây dựng mới những công trình biểu tượng, trở thành điểm tham quan du lịch, thu hút hàng trăm nghìn du khách, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Nếu nhà hát Opera hình con sò là niềm tự hào của Sydney, thì Esplanade - nhà hát hình trái sầu riêng được xây dựng từ 2002 chính là niềm tự hào của người dân đảo quốc sư tử bên cạnh tượng sư tử cá Merlion, Marina Bay Sands, bảo tàng ArtScience Museum…
Tương tự, Hàn Quốc cũng không thua kém khi lên kế hoạch xây dựng Busan Opera House với tham vọng biến nơi đây thành biểu tượng nhận diện, tương tự cách người Australia xây dựng nhà hát Opera Sydney.
Được mệnh danh là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước, có bề dày văn hóa, mang tính dẫn hướng cho phát triển văn hóa quốc gia, Hà Nội cũng sở hữu tới 20 nhà hát. Tuy nhiên, hiện các công trình thuộc dạng này tại thủ đô chủ yếu có quy mô nhỏ, được xây dựng từ lâu, công nghệ phục vụ đã không còn phù hợp. Một số phải cho thuê tổ chức sự kiện hoặc chờ bao cấp và dĩ nhiên chưa thể thu hút được du khách lẫn những tên tuổi lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Trừ Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô có 1.200 ghế ngồi, số còn lại đều có quy mô từ 100 đến hơn 800 chỗ, con số này không còn đáp ứng đủ điều kiện và quy mô để tổ chức những sự kiện âm nhạc có sự tham gia của nhiều nghìn khán giả với hệ thống âm thanh và ánh sáng hiện đại, xứng tầm.
Sở hữu tới 20 nhà hát, nhưng quả thực Hà Nội đang thiếu một nhà hát xứng tầm quốc tế, mang dấu ấn thời đại. Do đó, việc thiết lập các công trình kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, các thiết chế văn hóa quy mô mới, hiện đại ở thủ đô để xứng tầm với vị trí là "trái tim" của cả nước là cần thiết bên cạnh những biểu tượng đã nổi tiếng.
Nhà hát Opera - công trình mang dấu ấn, tầm cỡ của thủ đô
Trong 10 năm qua, Hà Nội đã hai lần lỡ hẹn xây dựng một công trình nhà hát tầm cỡ cho thủ đô và cả nước vì nhiều lý do. Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An với Nhà hát đa năng hiện đại ra đời được giới chuyên môn đánh giá là một công trình mang tính biểu tượng độc đáo, hiện đại. Chức năng chính của nhà hát là không gian trình diễn nghệ thuật. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa chính của TP Hà Nội, là điểm nhấn của khu vực hồ Tây nói riêng và của Hà Nội nói chung.
Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ đánh giá nhà hát là một điểm nhấn độc đáo. Công trình nhà hát sẽ được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, không lấp hồ, không ảnh hưởng nhiều đến diện tích mặt nước. Nhà hát cũng mang kiến trúc hiện đại, với mái vòm được lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây.
Trong tổng thể Đề án quy hoạch bán đảo Quảng An, nhà hát này là một điểm nhấn thuộc không gian văn hóa nghệ thuật, du lịch với nhiều các khu chức năng khác như công viên gốm sứ truyền thống, quảng trường cảnh quan, khu vực tổ chức các hoạt động ngoài trời…
Công trình được dự kiến trở thành địa điểm sinh hoạt văn hoá mới cho thủ đô, đồng thời là cầu nối đưa tinh hoa nghệ thuật thế giới đến với Hà Nội nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung. Điểm đến văn hóa mới này cũng sẽ góp phần đưa tinh hoa văn hóa thủ đô đến với các quốc gia khác, thông qua những chương trình giao lưu văn hóa đa quốc gia với quy mô lớn sẽ được tổ chức, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra.
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt cho rằng Nhà hát này nếu được xây dựng sẽ có chỗ đứng trong hệ thống nhà hát trong khu vực và trên thế giới. Vùng hồ Tây vẫn chưa có được công trình kiến trúc nổi bật, đặc sắc tạo điểm nhấn về văn hóa và thu hút du lịch xứng tầm kỳ vọng. Đây là một cơ hội để tạo ra điểm đến mang tính biểu tượng, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật, thu hút khách tham quan gồm các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế.
“Ý tưởng ngọc trai hồ Tây vươn lên từ mặt nước là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, giàu tính lịch sử, văn hóa, đột phá về không gian, phù hợp với nền cảnh thanh tịnh của hồ Tây...”, ông đánh giá.