Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số tuyến phố chuyên bán quần áo như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Bà Triệu,… tối ngày 14/1 (những ngày cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023) bên cạnh sự đông đúc của dòng người vội vã đi lại ngày cuối năm, các cửa hàng quần áo cũng tất bật, nhộn nhịp người ra, kẻ vào.
Với mức khuyến mại, giảm giá từ 30 – 70%, các cửa hàng muốn đẩy nhanh lượng bán thu tiền vốn về, còn người tiêu dùng mua được sản phẩm phù hợp với mức giá hợp lý. Trong đó, đa phần các cửa hàng đưa ra mức giảm giá từ 30 – 50%, bởi theo họ, đây là mức bán hòa vốn (chưa tính tiền chi phí cửa hàng).
Mùa sale cuối năm cũng đúng dịp nhiều người tiêu dùng thời điểm này lấy được tiền thưởng Tết nên việc mua bán càng trở lên tấp nập hơn. Trong khi nhưng người có mức thu nhập cao lựa chọn những cửa hàng cao cấp để mua hàng, lượng khách tại các cửa hàng này có tăng hơn ngày thường nhưng không quá đông.
Ngược lại, tại các cửa hàng bình dân lại thu hút một lượng lớn khách hàng. Họ lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp với mức giá cả khá mềm sau khi đã được giảm giá.
Chị Cao Thanh Hằng (đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, bận rộn cả năm, hôm nay sau khi cúng ông Công, ông Táo (cúng 23 tháng Chạp), dọn dẹp nhà cửa xong tôi mới có thời gian thong rong đi tìm mua 1 ít quần áo mới. Chọn cho mình một vài cái áo sơ mi, chiếc áo vect, áo khoác,.. để mặc ngày làm đi làm thông thường, tôi cũng tìm mua chiếc áo dài để mặc dịp Tết này.
Còn theo chị Nguyễn Thu Trang (quận Hoàng Mai, Hà Nội), những ngày này, nhiều cửa hàng giảm giá mạnh nên tôi tìm mua ít quần áo mới, đôi giày cho trẻ con diện Tết. Cũng theo chị Trang, việc mua sắm bây giờ thuận tiện, lướt facebook, lướt web, mua online nhưng cái cảm giác đi mua sắm quần áo cho những người trong gia đình những ngày cận Tết mang đến cho chị những cảm giác vui và hạnh phúc.
Câu nói ‘già được bát canh, trẻ được manh áo mới’ vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa với nhiều người tiêu dùng những ngày Tết đến Xuân về.