Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho biết dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3. Dự án có tổng mức đầu tư dự án hơn 3.241 tỷ đồng từ ngân sách TP. Hà Nội. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2025.
Đấu thầu 3 gói thầu xây lắp chính
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3 có chiều dài khoảng 3,4km (tính cả chiều dài các nút giao). Bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60m, gồm 6 làn xe cơ giới 3,5m, 2 làn xe hỗn hợp tại 2 đường đô thị song hành 7m, dải phân cách giữa, phân cách bên, vỉa hè hai bên.
Dự án được triển khai với 3 gói thầu xây lắp chính. Hiện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đang triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán các gói thầu xây lắp, chuẩn bị mặt bằng... để tổ chức đấu thầu, khởi công dự án.
Dự án này được triển khai với mục tiêu hình thành tuyến đường theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố Hà Nội.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có tờ trình lên UBND Thành phố Hà Nội về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 để giảm thiểu ùn tắc cho nút giao giữa hai tuyến đường này.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cũng được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành trung ương thẩm định, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế kỹ thuật…
Tuyến đường được xây dựng để mở ra hướng kết nối thứ hai từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Vành đai 3, theo hướng đi cầu Thanh Trì, tránh nút giao giữa hai tuyến cao tốc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô vốn đang chịu áp lực giao thông rất lớn.
Hơn 7.500 tỷ đồng cho các dự án giao thông, điều chuyển vốn nếu chậm triển khai
Được biết, năm 2023, Hà Nội triển khai 96 dự án giao thông với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Cũng trong năm nay, TP. Hà Nội triển khai 238 dự án đầu tư công hiện đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
TP. Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6 năm nay, kết quả giải ngân đầu tư công đạt khoảng 40 - 45%; phấn đấu cả năm 2023 đạt từ 95 - 100%.
Dù thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, lũy kế tính hết quý 1/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch năm, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành trong năm 2023. Kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được, có khối lượng được nghiệm thu nhưng chậm thanh toán.
Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu đơn vị phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Thực hiện cam kết với UBND TP. Hà Nội về giải ngân vốn đầu tư công, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố Hà Nội nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.
"Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì rà soát, tham mưu UBND TP. Hà Nội các nội dung trình HĐND TP. Hà Nội tại kỳ họp giữa năm 2023 về điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025", UBND thành phố lưu ý.
Bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công;
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.