Trong kế hoạch vừa ban hành, Hà Nội lên lộ trình khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự và một số công trình kiến trúc khác.
Cụ thể, Hà Nội ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước. Trong số này có biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa từng là nơi ở của nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, hiện bỏ hoang.
Các biệt thự còn lại nằm tập trung ở một số tuyến đường, khu vực thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng như: Điện Biên Phủ (số 10, 17, 26, 28D), Nguyễn Du (số 54, 80), Quán Thánh (số 71, 83, 97), Bà Triệu (số 63, 67)...
Ngoài ra, 4 trong số 8 công trình kiến trúc được ưu tiên kiểm định là: trụ sở báo Hà Nội Mới; tháp nước Hàng Đậu; trụ sở công an thành phố ở 87-89 Trần Hưng Đạo; cột cờ Hà Nội ở số 28B Điện Biên Phủ.
4 công trình còn lại là các trường THPT: Phan Đình Phùng (số 30 Phan Đình Phùng), Chu Văn An (số 10 Thụy Khuê), Trần Phú (số 8 Hai Bà Trưng) và Việt Đức (số 47 Lý Thường Kiệt).
Các công trình nằm trong nhóm ưu tiên sẽ được kiểm định xong trước tháng 9. Với 1.192 biệt thự còn lại, thành phố lên kế hoạch thực hiện xong trước ngày 30/6/2024.
Theo kế hoạch, các đơn vị phải tính toán mức độ an toàn của các biệt thự để đề xuất các biện pháp tiếp tục sử dụng hoặc sửa chữa.
Chủ sở hữu, quản lý, sử dụng được khuyến khích tự bỏ kinh phí để đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự để sớm có phương án bảo tồn, chỉnh trang.
Sau khi có kết quả đánh giá, kiểm định, Hà Nội sẽ đầu tư kinh phí để chỉnh trang, bảo tồn các công trình do thành phố quản lý.
Theo danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 do UBND thành phố ban hành hồi tháng 6/2022, Hà Nội có hơn 1.200 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự.
Các biệt thự này thuộc đối tượng quản lý theo quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố. Tương ứng với từng nhóm, Hà Nội xây dựng quy trình cấp phép phá dỡ và cải tạo khác nhau.