Hà Nội vượt TP.HCM để dẫn đầu về mức đóng góp thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Anh Tuấn.
Bộ Tài chính vừa công bố tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện trong tháng 7 ước đạt gần 150.000 tỷ đồng, bằng 9% dự toán và tương đương 87% mức thu bình quân của 6 tháng đầu năm nay.
Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, bằng 70% dự toán và tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái.
Hà Nội vượt TP.HCM
Thống kê 7 tháng đầu năm về kết quả thu ngân sách Nhà nước trên cả nước cho thấy Hà Nội đã vượt TP.HCM để dẫn đầu danh sách khi báo nộp về 337.200 tỷ đồng, đạt 83% dự toán pháp lệnh năm và tăng mạnh 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiếm phần lớn trong số thu này là các khoản thu nội địa 320.500 tỷ đồng (+26%). Trong đó, một số lĩnh vực thu chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 54.200 tỷ đồng (+5%); khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21.300 tỷ đồng (+21%) và thuế thu nhập cá nhân đạt 32.400 tỷ đồng (+30%).
Đáng chú ý, khoản thu từ tiền sử dụng đất tại Thủ đô đã tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái đạt 16.800 tỷ đồng; thu lệ phí trước bạ đạt 4.400 tỷ đồng (+20%); thu phí và lệ phí đạt 14.200 tỷ đồng (+24%).
Ngoài khoản thu nội địa, Hà Nội cũng ghi nhận các khoản thu từ dầu thô đạt 2.400 tỷ đồng (+22%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 14.300 tỷ đồng (+10%).
Đứng sau Hà Nội là TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tại cuộc họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 308.724 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ.
Nếu chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng về thu ngân sách Nhà nước.
Bà Huỳnh Mai lý giải nguồn thu tăng mạnh trong giai đoạn này là nhờ các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tăng lên và đặc biệt là khoản thu hồi vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết thành phố có khoản phát sinh ngoài kế hoạch là khoản thu hồi vốn của Nhà nước theo Công văn số 9660 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc rà soát chênh lệch vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; nộp cổ tức lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước.
Năm 2024, TP.HCM có 35 doanh nghiệp Nhà nước phải nộp tổng cộng 15.109 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp này nộp về ngân sách thành phố 14.442 tỷ đồng, đạt 96% so với kế hoạch.
Là 2 trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước, vì thế Hà Nội và TP.HCM hiện bỏ rất xa các địa phương khác về mức nộp ngân sách Nhà nước hàng năm.
Bắc Ninh trở lại top 10
Sau Hà Nội và TP.HCM, Hải Phòng là địa phương xếp thứ 3 về tổng thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm nay.
Thông tin mới công bố của Cục Thống kê Hải Phòng cho biết tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong tháng 7 ước đạt 8.062 tỷ đồng, trong đó khoản thu nội địa góp 2.472 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mang về 5.590 tỷ đồng.
Lũy kế 7 tháng, Hải Phòng nộp vào ngân sách Nhà nước 68.875 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65% dự toán mà Hội đồng Nhân dân thành phố giao.
Các khoản thu tăng mạnh nhất trong giai đoạn này của Hải Phòng là khoản thu nội địa với mức tăng 82% đạt 32.334 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 7% so với cùng kỳ đạt 35.597 tỷ đồng.
Xếp sau Hải Phòng lần lượt là các địa phương Bình Dương (40.434 tỷ đồng), Thanh Hóa (33.200 tỷ đồng); Hưng Yên (hơn 26.000 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (16.803 tỷ đồng), Bắc Giang (9.651 tỷ đồng), Ninh Bình (9.150 tỷ đồng).
Đáng chú ý, sau giai đoạn 2022-2023 nằm ngoài top 10 địa phương thu ngân sách Nhà nước cao nhất thì 7 tháng đầu năm nay, Bắc Ninh đã quay trở lại top 10.
Sau 2 năm bị đánh bật khỏi top 10, Bắc Ninh đã trở lại danh sách địa phương nộp ngân sách nhiều nhất 7 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Samsung VN.
Tính trong tháng 7, số thu ngân sách Nhà nước của Bắc Ninh ước đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước nhưng giảm 16% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh này vẫn tăng tới 18% so với cùng kỳ, ước đạt 20.140 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 15.238 tỷ đồng, tăng 16%; thu hải quan ước đạt 4.895 tỷ đồng, tăng 22%.
Quảng Ninh và Đồng Nai cũng là 2 địa phương có khoản thu ngân sách Nhà nước cao. Hiện chưa ghi nhận con số tổng hợp của 7 tháng đầu năm nhưng tháng trước Sở Tài chính Quảng Ninh cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm đã đạt trên 30.700 tỷ đồng.
Hay UBND tỉnh Đồng Nai thông báo kinh tế của tỉnh đã phục hồi và có bước phát triển tốt giúp tổng thu ngân sách lũy kế nửa đầu năm đạt hơn 30.500 tỷ đồng.
Từ kết quả thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn đánh giá nền kinh tế cả nước có dấu hiệu dần hồi phục nhưng chưa đồng đều, bền vững giữa các khoản thu, sắc thuế, địa bàn, thị trường, ngành nghề, lĩnh vực. Hiện vẫn còn 6/20 khoản thu, sắc thuế và 37/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp so dự toán (dưới 65%).
Bên cạnh những địa phương triển khai có hiệu quả công tác đấu giá, bàn giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất, thì tại nhiều địa bàn thị trường bất động sản còn rất khó khăn, việc tổ chức đấu giá đất chưa triển khai được, còn 36/63 địa phương tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương nguồn thu trọng điểm từ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tiến độ thu ngân sách 7 tháng còn chậm.
Đặc biệt các địa phương có nguồn thu từ ôtô chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu như Vĩnh Phúc, Ninh Bình mục tiêu dự toán thu năm 2024 không cao so bình quân chung cả nước nhưng với tiến độ thu hiện nay mới đạt dưới 60% dự toán, rất khó để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024.