Phía nam TP.HCM gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần quận 8 và huyện Bình Chánh, được định hướng trở thành khu đô thị sinh thái phức hợp hiện đại, mang màu sắc đô thị sông nước Nam Bộ.
Theo đề án quy hoạch, phía nam TP.HCM được đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Mục tiêu dài hạn là mở rộng đô thị thành phố hướng ra biển Đông, góp phần giải tỏa áp lực lên khu vực trung tâm, tăng kết nối mạng lưới giao thông xuyên tâm thành phố, vành đai.
Dự án cũng sẽ góp phần tăng cường lưu thông hàng hóa và tạo sự kết nối giữa các khu đô thị, công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành cụm đô thị và khu công nghiệp trọng điểm của vùng.
Dù vậy, đến hiện tại, khu vực này mới chỉ phát triển 30-35% diện tích với hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Do đó, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ, tập trung vào các dự án trọng điểm như mở rộng đại lộ Nguyễn Văn Linh, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành... nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển toàn diện khu đô thị mới phía nam thành phố.
Loạt dự án nâng cấp hạ tầng giao thông
Đại lộ Nguyễn Văn Linh - trục đường xương sống của khu vực phía nam TP.HCM - đang ráo riết hoàn thiện việc mở rộng từ 6 lên 10 làn xe. Đoạn từ giao lộ Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập (quận 7) hiện hoàn thành 65% khối lượng và dự kiến hoàn thành cuối tháng 5. Dự án giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông tại tuyến đường huyết mạch khu phía nam, đẩy mạnh giao thương cho toàn khu vực.
Đáng chú ý, dự án cầu Bến Nghé (cầu Thủ Thiêm 4) với tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng được quyết định thông qua chủ trương đầu tư và tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong giai đoạn 2022-2023. Dự án này sẽ được lựa chọn nhà thầu đầu tư, khởi công vào năm 2024, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2028.
Để triển khai cầu Bến Nghé, cảng Tân Thuận sẽ được di dời xuống Hiệp Phước và Cần Giờ. Còn khu vực cảng Tân Thuận ven bờ sông sẽ giải tỏa đến Mũi Đèn Đỏ và thiết kế trở thành công viên ven sông lớn nhất quận 7.
Cầu Bến Nghé được kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội đô, từ phía quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức qua các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Song song đó, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 6331/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch cụ thể tỷ lệ 1/500 tiểu khu cảng quận 4. Trong đó, đường Nguyễn Tất Thành rộng 20 m sẽ được mở rộng lộ giới, điểm rộng nhất lên tới 46 m. Đây sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối quận 4 với quận 7, quận 1 và ngược lại.
Ngoài ra, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hiện đạt hơn 40% khối lượng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để “về đích” trong năm 2022, góp phần giảm áp lực giao thông. Dự án không chỉ hướng đến mục tiêu đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu vực, mà còn hình thành diện mạo khu đô thị ven sông TP.HCM, nâng giá trị khu phía nam.
Hình thành khu đô thị ven sông TP.HCM
Giới phân tích nhận định tốc độ triển khai các công trình giao thông đang được đẩy mạnh, tạo bệ phóng cho bất động sản khu vực phía nam TP.HCM. Đặc biệt, khi cầu Bến Nghé hoàn thành, người dân khu nam chỉ cần qua cầu là có thể tiếp cận trung tâm TP Thủ Đức, thay cho đoạn đường dài gần 12 km di chuyển qua trung tâm quận 1 để tới khu đông thành phố.
Sớm nhìn thấy tiềm năng phát triển của khu phía nam TP.HCM, Tập đoàn Gotec Land lên kế hoạch triển khai dự án ven sông Sài Gòn - Shizen Home - ngay sát cầu Bến Nghé, mang đến phong cách sống chuẩn Nhật. Dự án có quy mô hai tòa tháp cao 18 tầng với tổng diện tích hơn 10.000 m2. Dự kiến khi hoàn thành, Shizen Home cung cấp ra thị trường khoảng 500 căn hộ.
Theo chia sẻ của chủ đầu tư, đây sẽ là tổ hợp căn hộ khoáng nóng vừa phục vụ nhu cầu an cư, vừa đáp ứng chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của cư dân. Shizen Home sở hữu tổ hợp 12 tiện ích chăm sóc sức khỏe gồm: Trung tâm khoáng nóng trong nhà, tổ hợp sauna, xông hơi thảo mộc, đá muối Himalaya, xông hơi lạnh, spa và detox.
Khu vực phía nam TP.HCM đang từng bước trở thành đô thị trọng điểm. Nhờ đó, bất động sản trong khu vực cũng được hưởng lợi và trên đà tăng trưởng, đặc biệt là các dự án ven sông.