Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố quyết định chuyển cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) từ diện cảnh báo sang kiểm soát kể từ ngày 12/4/2023.
Lý do đưa ra là vì lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 và 2022 lần lượt là -1.119,43 tỷ đồng và -3.576,45 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của HAGL Agrico, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Trước đó, HAGL Agrico đã công bố BCTC kiểm toán 2022, ghi nhận lỗ sau thuế trên BCTC hợp nhất hơn 3.576 tỷ đồng – giảm thêm so với con số tự lập là lỗ 3.566 tỷ đồng. Trong đó, lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 1.307,8 tỷ; lỗ do ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây 2.141,7 tỷ; lỗ khác 126,9 tỷ đồng.
Mảng trái cây đóng góp gần 500 tỷ trên tổng doanh thu 742 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh; đồng thời bị lỗ gộp 917 tỷ đồng. + Nguyên nhân theo HNG, do:
(1) Ảnh hưởng của cơn bão Noru tại thời điểm cuối tháng 9/2022 và tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào, dẫn đến sản lượng thu hoạch chuối giảm 33% so với cùng kỳ.
(2) Giá mua phân bón tăng 68%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 20%.
(3) Cước phí vận chuyển tăng 67% (từ 1.504 USD/Cont tăng lên 2.506 USD/Cont).
(4) Công ty thực hiện rà soát lại sổ sách kế toán, ghi nhận chi phí chuyển đổi các vườn cây năm 2020 trở về trước chưa hạch toán bao gồm vườn cây cao su, cọ dầu và cây ăn trái với tổng chi phí 2.141,7 tỷ đồng.
Theo đó, HNG đã nâng tổng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2022 lên 7.003,5 tỷ đồng, "ngốn" hơn nửa tổng vốn chủ sở hữu Công ty.
Cũng trong BCTC hợp nhất năm 2022, đơn vị kiểm toán E&Y nhấn mạnh nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty HAGL Agrico, nguyên nhân do Công ty đã phát sinh lỗ thuần là 3.576,4 tỷ đồng và lỗ luỹ kế là 7.003,5 tỷ đồng; nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 4.288,6 tỷ đồng.
HNG giải trình, Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư. Trên cơ sở này, Công ty lập BCTC năm 2022 đáp ứng giả định hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới.
Đáng chú ý, trên BCTC công ty mẹ, HNG có lãi sau thuế 223 tỷ đồng nhờ hoàn nhập khoản chi phí và ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cuối kỳ.
Theo kế hoạch đề ra, sang năm 2023, HNG đặt kế hoạch sản lượng 118.529 tấn trái cây, tương ứng doanh thu 1.586 tỷ đồng.
Trên thị trường, chốt phiên 5/4, thị giá HNG đạt 4.560 đồng/cp.
Ở diễn biến khác, HoSE cũng quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai do LNST chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2022 là âm 3.341 tỷ đồng căn cứ theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022.