Joh kiếm được 36,4 tỷ won (28 triệu USD), bao gồm 33,8 tỷ won từ quyền chọn cổ phiếu (stock options) và phần còn lại từ tiền lương và trợ cấp thôi việc. Còn Yeo kiếm được 33,4 tỷ won (25,7 triệu USD), bao gồm 31,8 tỷ won từ quyền chọn cổ phiếu.
Stock options là một loại hợp đồng mua bán giữa người mua tùy chọn (option buyer) và người bán tùy chọn (option writer), cho phép người mua có quyền mua hoặc bán một số lượng cổ phiếu với giá nhất định tại một thời điểm trong tương lai.
Stock options được sử dụng phổ biến trong các công ty công nghệ và tài chính để phản ánh giá trị của cổ phiếu và cung cấp cho nhân viên một phần thưởng trong việc đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Cả Joh và Yeo đều rời Kakao sau khi công chúng chỉ trích gã khổng lồ công nghệ về việc mở rộng kinh doanh quá mức, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ.
Giám đốc điều hành NCsoft Kim Taek Jin đứng thứ ba với 12,3 tỷ won, bao gồm 10 tỷ won tiền thưởng.
Một trong những cái tên nhận được nhiều sự quan tâm lại không góp mặt trong danh sách là Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong. Lee không nhận tiền lương hoặc tiền thưởng từ công ty của mình kể từ năm 2017.
Đối với chủ sở hữu tập đoàn, người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2022 là Chủ tịch Tập đoàn CJ Lee Jay Hyun, người đã kiếm được hơn 22,1 tỷ won (17 triệu USD) từ công ty mẹ và các công ty con.
Cụ thể, Lee kiếm được 10,6 tỷ won từ CJ, 7,3 tỷ won từ CJ Cheiljedang và 4,19 tỷ won từ CJ ENM.
Chủ tịch Hyundai Chung Eui Sun kiếm được 10,6 tỷ won (8,2 triệu USD), Chủ tịch LG Koo Kwang Mo kiếm được 9,4 tỷ won (7,2 triệu USD) và Chủ tịch SK Chey Tae Won kiếm được 3,5 tỷ won (2,7 triệu USD).
30 tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc và các công ty công nghệ thông tin lớn đã công bố các số liệu trong báo cáo kinh doanh phải nộp hôm 22/3.
Theo Cơ quan Dịch vụ Thuế Quốc gia Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng năm của một cá nhân thuộc nhóm 0,1% người giàu nhất đất nước là 3,3 tỷ won (hơn 2,5 triệu USD). Số tiền này gấp 1.400 lần thu nhập của nhóm 20% người nghèo nhất xứ kim chi.
Những người thuộc top 0,1% giàu nhất Hàn Quốc là khách hàng VVIP của ngân hàng, công ty môi giới, hãng hàng không, cửa hàng bách hóa.
Khoảng cách tiền lương giữa hai nhóm này có xu hướng tiếp tục nới rộng. Năm 2021, thu nhập của những người trong top 0,1% chiếm 10,4% tổng thu nhập quốc gia, so với mức 10,2% năm trước đó. Năm 2020 cũng ghi nhận nhóm giàu nhất xứ kim chi lần đầu vượt qua mốc 10%.
Tình trạng bất bình đẳng trong thế hệ trẻ Hàn Quốc thậm chí càng trầm trọng hơn. Cả hai nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở cùng độ tuổi 20 và 30 đều có mức gia tăng thu nhập hàng năm tương tự nhau, lần lượt là 12,8% và 12,6%.
Tuy nhiên, những người giàu nhất có tài sản tăng 11 triệu won, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ có thể kiếm thêm 3 triệu won.