Thị trường bất động sản hạng sang gần đây xôn xao dự án IFC One Saigon được tái khởi động với giá bán căn hộ cao cấp có thể lên đến 1 tỷ đồng /m2, tạo ra một mức đỉnh mới của dòng sản phẩm siêu sang tại Việt Nam.
Không chỉ thế, một loạt các dự án cho giới thượng lưu cũng đang được xây dựng với giá bán cao như Pearl (trước đây là One Central HCM) khoảng 700 triệu/m2, Grand Marina Saigon có giá đến 400 triệu đồng/m2, The Grand Hàng Bài chào bán 550-700 triệu đồng/m2.
Những tín hiệu đó cho thấy bất động sản hạng sang ở nội đô đang sôi động trở lại, mà chủ yếu là nhờ sự xuất hiện của những tay chơi mới giàu tiềm lực tài chính là Viva Land và Materise Group.
Viva Land lớn nhanh bằng M&A
Cuối năm 2021, thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu xôn xao trước thông tin tòa nhà Saigon One Tower với vị trí đắc địa bậc nhất trên đường Hàm Nghi (quận 1) đã hồi sinh sau hơn một thập kỷ, thuộc về chủ mới Viva Land.
Kể từ đây, đại gia bất động sản mới nổi này liên tục khuấy động thị trường cao cấp với một loạt thương vụ M&A đình đám khác nhằm sở hữu nhiều khu đất vàng ở trung tâm các thành phố lớn.
Vào cuối tháng 1, Viva Land nhận chuyển nhượng tòa nhà văn phòng Capital Place (Hà Nội) từ tay Tập đoàn CapitaLand với mức giá 550 triệu USD. Đây là một trong các thương vụ M&A có quy mô lớn trong năm nay và hai bên tuyên bố không có yếu tố liên quan.
Tập đoàn này còn thâu tóm một loạt dự án lớn có vị trí đắc địa ở TP.HCM như Pearl (quận 1), Project GP (quận 5), Waterfront Saigon (quận 1) hay khu phức hợp Saigon Peninsula (quận 7)...
Viva Land cũng thế chân FLC Group để làm chủ dự án rộng hơn 13.000 m2 trên một khu đất vàng tại Hải Phòng, mua lại một phần siêu dự án đảo Tuần Châu từ Tập đoàn Tuần Châu. Tay chơi mới còn mạnh dạn chi hàng trăm triệu USD mua lại các bất động sản hạng sang ở Singapore.
Mặc dù mới được chính thức thành lập từ năm 2020 nhưng Viva Land lại có tiềm lực tài chính mạnh mẽ để thâu tóm quỹ đất 1.500 ha tại các vị trí đắc địa. Con đường lớn nhanh bằng phương thức M&A khiến giới đầu tư bóng gió về một tập đoàn lớn trong nước đang đứng sau "ngựa ô" bất động sản này.
Viva Land được thành lập vào tháng 5/2019 với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm bà Nguyễn Thị Kim Khánh nắm giữ tỷ lệ lớn nhất 30% vốn điều lệ, ngoài ra có bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (25%) và bà Dương Thị Hạnh (20%).
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh và bà Dương Thị Hạnh còn là những cổ đông sáng lập của CTCP Đại Chấn Hưng. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Mai là cổ đông sáng lập của CTCP Hoa Phú Thịnh - một bên liên quan của đại dự án Sài Gòn Bình An.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, Viva Land lại có những biến động lớn về nhân sự khi bà Nguyễn Thị Kim Khánh thôi đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc để nhường chỗ cho ông Eddie Lim.
Giám đốc điều hành mới Eddie Lim là một nhân sự có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại CapitaLand. Ngoài ra, chủ tịch HĐQT Viva Land hiện tại là Chen Lian Pang cũng từng tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam đến tháng 7/2020.
Masterise gom dự án hàng hiệu
Một tay chơi mới cũng gây chú ý với việc thâu tóm một loạt bất động sản đình đám tại nội đô các thành phố lớn là Masterise Group.
Tập đoàn này có tiền thân là CTCP Đầu tư Thảo Điền và được chuyển đổi từ cuối năm 2019. Những dự án đầu tay trước đó như Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, M-One Sài Gòn, M-One Gia Định...
Sau quá trình chuyển đổi, Masterise Group cho thấy tiềm lực đáng nể trong ngành địa ốc với một loạt thương vụ thâu tóm bất động sản hàng hiệu tại TP.HCM và Hà Nội.
Nổi bật nhất chính là thương vụ chuyển nhượng đình đám tại khu đất vàng Ba Son (quận 1, TP.HCM) để phát triển dự án Grand Marina Saigon, đồng thời cũng mua lại khu đất vàng 87 đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM), đều từ tay Alpha King.
Masterise Group cũng nhận chuyển nhượng khu đất 6 ha với 10 block căn hộ tại dự án Vinhomes Grand Park (quận 9, TP.HCM) của Vingroup để triển khai dự án Lumière Boulevard và một dự án lớn khác...
Để tiến ra thị trường miền Bắc, tập đoàn tư nhân này bắt đầu thực hiện thương vụ thâu tóm một số lô đất tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Hà Nội) để triển khai dự án Masteri Waterfront.
Tuy nhiên, dự án đình đám nhất là The Grand Ritz Carlton Branded Residents tại số 22-24 Hàng Bài. Dự án hàng hiệu này được Masterise mua lại từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với mức giá chào bán căn hộ thuộc hàng cao nhất Hà Nội.
Một số dự án khác tại khu vực này như Premier Berriver tại số 390 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) hay nhận chuyển nhượng Masteri West Heights trong đại đô thị Vinhomes Smart City...
Sự phát triển thần tốc của Masterise Group bằng nguồn lực tài chính mạnh mẽ cũng bị đặt câu hỏi về giới chủ đứng sau, nhất là sự hậu thuẫn về mặt tín dụng từ Techcombank.
Nhân sự của Masterise cũng có liên quan mật thiết với giới chủ ngân hàng này. Hai vị trí đứng đầu của tập đoàn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Tú Anh giữ vị trí và Tổng giám đốc Phan Thị Ánh Tuyết.
Trong đó, bà Đỗ Tú Anh là từng là Giám đốc chi nhánh miền Nam Chứng khoán Kỹ Thương hay Thành viên Ban đại diện Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam (FUCVREIT).
Ngoài ra ,còn phải kể đến ông Hồ Anh Ngọc (em trai tỷ phú Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank). Vị này từng là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011-2012 và hiện là Chủ tịch One Mount Group.
Bà Nguyễn Hương Liên (em dâu tỷ phú Hồ Hùng Anh) từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group. Sau đó bà nhường vị trí cho một nhân sự khác trong thuộc hệ sinh thái Techcombank là ông Trần Quốc Hoài.
Những cái tên trên tạo ra một sự gạch nối đặc biệt giữa Masterise Group và Techcombank, nhất là người đứng đầu nhà băng Hồ Hùng Anh. Thực tế, phần lớn các thương vụ trái phiếu của Masterise đều được thực hiện qua TCBS và có sự hỗ trợ của Techcombank.