Ngay trong giai đoạn hơn hai năm đại dịch Covid-19 đầy khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, GRDP năm 2020 và năm 2021 đều tăng từ 13 đến 14%.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách đồng hành cùng các doanh nghiệp,nhà đầu tư, đã góp phần rất lớn, làm tăng sức cạnh tranh của thành phố trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư, đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Khẳng định lợi thế thu hút đầu tư
Năm 2021 đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI Hải Phòng xếp thứ 2 trong số 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số cải cách hành chính của thành phố đã thăng hạng vượt lên vị trí dẫn đầu cả nước.
Kết quả thu hút đầu tư của Hải Phòng luôn trong tốp đầu Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 9/2022, Hải Phòng đứng thứ 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI với 952 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 24,51 tỷ USD.
Trong Hội thảo đầu tư “Kiến tạo tương lai” tổ chức tại thành phố Hải Phòng mới đây, PGS - TS. Trần Đình Thiên, chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế Việt Nam đã đánh giá rằng cơ chế mở cửa cùng các chính sách trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, kết hợp với sự hỗ trợ tạo thuận lợi tối đa của Hải Phòng dành cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là những yếu tố góp thêm điểm cộng cho Hải Phòng.
Ông Thiên khẳng định: “Sức hấp dẫn thật sự của Hải Phòng thể hiện qua kết quả thu hút đầu tư, đó là bằng chứng rõ nhất thể hiện môi trường kinh doanh tốt” và lưu ý rằng thành tích tăng trưởng mọi lĩnh vực của Hải Phòng như GRDP, xuất nhập khẩu, cùng nhiều chỉ số tăng trưởng khác, cho thấy Hải Phòng đã có những bứt phá rất mạnh từ khoảng những năm 2015 trở lại đây.
Trong đó có sự đóng góp rất lớn từ năng lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, minh chứng bằng sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, gần đây là hàng loạt các nhà đầu tư đến từ Châu Âu, thể hiện chất lượng môi trường đầu tư chất lượng cao và rất hấp dẫn của Hải Phòng.
Tìm giải pháp để đón được dòng vốn thực chất, bền vững
Chia sẻ về những triển khai nhằm thu hút đầu tư phát triển bền vững, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng luôn ý thức nhu cầu phát triển bền vững các Khu công nghiệp theo hướng Khu công nghiệp sinh thái là yếu tố tất yếu, rất quan trọng để quyết định lợi thế cạnh tranh của thành phố.
Hiện nay, Hải Phòng là một trong 5 địa phương của cả nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thí điểm để triển khai Dự án Khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu.
Trong đó, Khu công nghiệp DEEP C của Hải Phòng đang triển khai các hoạt động chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thực hiện.
Đồng thời, Hải Phòng cũng luôn khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường.
Đặc biệt là việc hình thành các trung tâm nghiên cứu tại TP. Hải Phòng (R&D) để Thành phố có cơ hội phát triển thêm về mặt công nghệ và khẳng định vị thế trên lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao trong khu vực.
Hiện nay các Khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư.
Với mục tiêu phát triển kinh tế số, Năm 2022 được Hải Phòng xác định là năm khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố tầm nhìn đến năm 2030.
Thành ủy Hải Phòng luôn đánh giá chuyển đổi số là cơ hội, giải pháp mang tính căn bản để thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong nhiều thập kỷ sắp tới.
Theo đó nhiều mục tiêu chuyển đổi số của thành phố được đặt ra trong Nghị quyết cao hơn mục tiêu chung được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ TTg ngày 03/6/2020).