Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, dự án Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ chính thức được khởi công vào sáng ngày 15/12 tới. Dự án được 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác thực hiện, gồm Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore; CTCP đô thị Amata Biên Hòa và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản.
Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Lâm và xã Hải Trường, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với quy mô hơn 480 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô hơn 97 ha, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021-2025.
Hiện các thủ tục chứng nhận đầu tư, thành lập khu công nghiệp, quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng rừng đã hoàn thành.
Dự án này được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Trị, tạo ra một trung tâm kinh tế dọc theo Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
Hiện tại giai đoạn 1 của dự án do liên doanh VSIP - Amata - Sumitomo làm chủ đầu tư có diện tích hơn 97 ha. Trong đó, tổng diện tích đất được thu hồi, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng; người dân đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ. Chủ đầu tư đã lập hồ sơ thuê đất đợt 1 trên diện tích gần 38 ha.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tính đến cuối tháng 11, UBND huyện Hải Lăng đã quyết định thu hồi đất với diện tích gần 96 ha của giai đoạn 1, phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 119 tỷ đồng.
Tiếp đến là dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, sẽ bắt đầu triển khai thi công trong tháng 2/2024. Dự án này được thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị. Dù dự án được khởi công, từ tháng 2/2020, nhưng sau đó "án binh bất động" đến nay. Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra rất nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Liên doanh cảng Quốc tế Mỹ Thủy hoàn thành giải phóng mặt bằng và thủ tục để triển khai thi công.
Dự án chậm tiến độ kéo dài do gặp nhiều khó khăn vướng mắc như chồng chéo quy hoạch dự trữ khoảng sản, quy hoạch ba loại rừng chồng lấn. Đặc biệt nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính hạn chế.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu nhà đầu tư như tái cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu, bộ máy chỉ đạo điều hành dự án; đồng thời tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục, nhất là thủ tục thuộc thẩm quyền của Trung ương và giải phóng mặt bằng.
Đến tháng 12 này, dự án đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, phê duyệt thiết kế cơ sở, đưa dự án ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đã hoàn thành 113 ha trong số 133ha đạt tỷ lệ 85%.
Diện tích còn lại không nhiều, khoảng 20ha nhưng gặp khó khăn do tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu huyện Hải Lăng, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung giải quyết dứt điểm để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Ngày 4/1/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy. Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn được đầu tư theo 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ năm 2018-2025 đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026-2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ năm 2032-2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.
Dự án có thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.