19h, trong căn phòng rộng 20 m2 ở Đống Đa, Hà Nội, Phương Linh (sinh viên, 19 tuổi) cùng 14 học viên khác bước vào buổi học thứ 2 trong khóa MC cơ bản.
Sau gần 2,5 tiếng di chuyển bằng xe buýt từ Hòa Lạc (cách lớp học 35 km), trong tình trạng tắc đường, nữ sinh vừa mệt vừa đói.
Mồ hôi trên người còn chưa khô nhưng khi MC Giang Hồng - người trực tiếp đứng lớp - mở đầu buổi học bằng cách thị phạm một vài đoạn dẫn, Phương Linh dồn mọi sự chú ý vào giọng nói, cách giảng viên lấy hơi, nhấn giọng, nhả chữ.
Học kỹ thuật lấy hơi, thở bụng
Sau khi thị phạm, giảng viên giải thích kỹ thuật lấy hơi, thở bụng là yếu tố quan trọng, quyết định giọng nói độ vang, mạnh và rõ ràng. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta thường sử dụng kỹ thuật thở ngực.
Cách thở này khiến lượng hơi ít hơn, khi nói, hơi dễ đứt đoạn, hụt hơi, không có nhịp điệu hoặc không thể nói dài trong một buổi thuyết trình.
"Cả lớp đứng lên. Các em đặt tay lên bụng và cảm nhận, kiểm tra xem mình đang thở bụng hay thở ngực bằng cách quan sát cách thở của mình. Nếu hít vào, bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống nghĩa là đang thở bụng, và ngược lại”.
Nữ MC bắt đầu làm mẫu, hướng dẫn điều chỉnh cách thở. Cô chầm chậm hít vào, đếm từ 1 đến 10, giữ lại 2 giây, sau đó, tiếp tục đếm và chậm thở ra bằng miệng theo nhịp, tránh để hơi thoát lên mũi.
Cô lưu ý học viên có thể điều chỉnh số giây hít vào, giữ lại và thở ra phù hợp theo lượng sức, không cố gắng nín thở. Các học viên được yêu cầu luyện tập 2-3 lần trước khi từng người thực hành trước lớp.
Phương Linh là người đầu tiên thực hành, cô không tránh khỏi hồi hộp. Nữ sinh bắt đầu lấy hơi vào bụng một lượng vừa đủ, đến khi bụng căng cứng, cô giữ lại trong vòng 2 giây để ổn định cột hơi. Từ từ, cô đếm to và rõ ràng từ 1 đến 10 theo đúng hướng dẫn. Nhớ lời cô dặn, Linh cố gắng không lấy thêm hơi trong quá trình đếm.
“Một, hai, ba,… chín, mười”.
“Tốt. Em làm rất tốt, có chút hồi hộp nhưng không vấn đề gì. Sau này, khi đã quen, em sẽ kiểm soát được cảm xúc”.
Linh vui khi được giáo viên khen ngợi. Kết thúc phần thực hành của mình, cô ngồi xuống, tiếp tục quan sát các học viên còn lại và tự cải thiện.
Trong khi Phương Linh đang thực hành, Kiều Anh (23 tuổi) cùng các học viên khác lắng nghe, đưa ra nhận xét cùng giáo viên, tự rút ra khuyết điểm của bản thân.
Kiều Anh nói cái khó trong việc lấy hơi, thở bụng là việc nhả hơi bằng miệng khi nói. Là giáo viên dạy đàn piano, Kiều Anh từng có thời gian luyện thanh nhạc, học hát opera nên đã biết cách thở bụng.
Tuy nhiên, do không luyện tập thường xuyên, giọng cô được giáo viên nhận xét là khá mỏng, không có độ vang và thoát hơi chưa đều. Ngoài ra, thói quen mở khoang miệng hết cỡ khi tập hát opera khiến Kiều Anh gặp chút khó khăn. Cô chia sẻ khi MC dẫn chương trình, khoang miệng phải mở to nhưng chỉ vừa đủ để giọng nói có tiếng vang.
“Mình từng luyện thanh nhạc nên có lợi thế hơn một chút. Tuy nhiên, mình vẫn thấy lấy hơi và thở bụng là kỹ thuật khó nhất để có một giọng nói ổn định”, Kiều Anh chia sẻ.
Tập nói tròn vành, rõ chữ
MC Giang Hồng phân tích do đặc điểm vùng miền, chất giọng và âm sắc của mỗi học viên sẽ khác nhau, có những học viên phát âm không rõ và sai chính tả. Vì vậy, phân nửa thời gian buổi học sẽ dành cho việc tập phát âm tròn vành, rõ chữ.
“Việc luyện giọng, tập phát âm sẽ diễn ra trong hai buổi. Sau hai buổi, bạn nào không cải thiện được hoặc khó khăn trong phát âm, cô sẽ yêu cầu quay lại lớp học luyện giọng cơ bản”, MC Giang Hồng thông báo.
15 học viên được yêu cầu tùy ý lựa chọn một văn bản trong tập tài liệu được phát, tự đọc trong vòng 5 phút, sau đó thực hành trước lớp và nhận phản hồi, chỉnh sửa trực tiếp từ giáo viên.
Phạm Minh (25 tuổi, nhân viên kinh doanh) nhanh chóng dùng bút gạch chân những chỗ cần nhấn nhá, ngắt nghỉ. Cô lựa chọn văn bản thông báo trong dẫn chương trình.
Từng là học viên lớp luyện giọng cơ bản của trung tâm này, Minh đã có thời gian tập lấy hơi, thở bụng, phát âm chuẩn tiếng Việt, kỹ thuật nhấn nhá, biểu cảm trong giọng nói, ngôn ngữ hình thể.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu đọc văn bản, phát âm tròn vành rõ chữ, Minh vẫn phải luyện tập 6-7 lần trước khi đứng lên thực hành trước lớp.
Cô bắt đầu tưởng tượng mình đang đứng giữa hội nghị, các học viên còn lại giống như khách mời, đưa ánh nhìn bao quát lớp học, Phạm Minh tự tin cất giọng thông báo.
“Kính thưa quý vị khách quý, chỉ còn ít phút nữa là Hội nghị khoa học sẽ chính thức diễn ra. Ban tổ chức xin trân trọng kính mời toàn thể quý vị đại biểu, quý vị khách quý di chuyển vào phía bên trong Hội trường…”.
Minh nhấn giọng ở những phần quan trọng, các tính từ, chuyển đoạn hoặc chuẩn bị kết thúc. Cô không quên tươi cười và đưa tay theo từng nhịp dẫn.
“Giọng của em khá ổn, tuy nhiên, còn hơi bé, chưa có nhiều nội lực, khó tạo ấn tượng, việc tưởng tượng đang ở hội nghị cũng chưa tốt lắm. Em cần luyện tập nhiều hơn”, MC Giang Hồng nhận xét.
Chưa từng học lớp luyện giọng, Kiều Anh vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn giọng địa phương, đôi khi, cách phát âm không tròn vành, rõ chữ. Cô lựa chọn thực hành đọc văn bản thuộc thể loại blog radio, yêu cầu giọng đọc phải nhiều cảm xúc, đây cũng là thế mạnh của cô.
Kiều Anh cố gắng tưởng tưởng đang ngồi trong phòng thu, giữa các thiết bị, máy móc thu âm. Cô nỗ lực để giọng có chiều sâu, truyền tải được thông điệp. Dù vậy, theo giáo viên đánh giá, giọng đọc của cô vẫn có chút căng thẳng.
Phương Linh lựa chọn đọc thông báo của tiếp viên hàng không. Với thông báo này, cô được yêu cầu phải dồn hơi, giọng đọc không được quá diễn cảm hoặc quá cao, đọc chậm, rõ ràng, thể hiện sự trân trọng khách hàng. Đến lần thứ hai, giọng đọc Phương Linh đã ổn định hơn, được nhận xét khá tốt.
Trong khi đó, cùng lựa chọn với Phương Linh, Minh Hưng (20 tuổi, sinh viên) lại chưa thực hiện tốt phần thực hành của mình dù đã học qua lớp luyện giọng. Hưng chia sẻ có thể giọng cô chưa phù hợp với văn bản này, khi đọc, cô thường xuyên bị hụt hơi, chưa mở khoang miệng, bị níu lưỡi và không có điểm nhấn.
“Mở to họng, lấy và đẩy hơi mạnh ra em, nhịp đọc chậm hơn, làm lại”, MC Giang Hồng yêu cầu.
Minh Hưng khá căng thẳng khi được giáo viên nhận xét, thị phạm và yêu cầu làm lại 5-6 lần.
Nâng giá trị giọng nói
Cuối giờ học, MC Giang Hồng đánh giá các học viên đều có tố chất của người làm MC.
“Đầu tiên, các bạn có ngoại hình sáng. Thứ hai, các bạn tham gia lớp học với tinh thần nghiêm túc. Cô nhận thấy các bạn thực sự khao khát và tìm được hướng đi của mình để phấn đấu. Tuy có tiềm năng, các bạn không hẳn quá xuất sắc ở thời điểm bắt đầu này, vì vậy, cần mất nhiều thời gian để luyện tập”, nữ MC nhận xét.
Trong khi đó, tất cả học viên đều khẳng định việc làm MC không hề dễ như tưởng tượng. Kiều Anh và Phương Linh nhận định người MC không thể dẫn theo cảm tính, phải có tư duy nhanh nhạy trước mỗi tình huống.
Phạm Minh lại cho rằng không chỉ ở giọng nói, MC cần phải có sự tinh tế, nhanh nhẹn và chân thành. Trước đây, khi dẫn sự kiện tại công ty, chưa qua trường lớp, cô chỉ quen việc cầm giấy và đọc, dẫn dắt chưa hay và xử lý tình huống chưa khéo léo. Sự tinh tế, nhạy bén từ giáo viên là điều cô học được ngày hôm nay.
MC Giang Hồng cho biết học viên tìm đến khóa MC cơ bản đa số là sinh viên hoặc người đi làm. Mục đích của họ khi tham gia lớp học là phục vụ công việc hiện tại hoặc định hướng làm MC chuyên nghiệp, song ngữ.
Trong thời gian tuyển sinh, học viên cần làm một bài kiểm tra đầu vào. Đạt yêu cầu về cách phát âm, giọng nói, sự tự tin, mới được tham gia khóa học MC cơ bản.
Theo nữ MC, giọng nói mỗi người đều có chất riêng, tuy nhiên, để “nói ra tiền” thì người làm MC không đơn thuần là đọc văn bản dẫn, giọng nói của bạn phải có giá trị hơn so với những người khác trên thị trường.