Vào thời điểm chỉ còn hai tuần trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, Nga đã mất hơn 90% thị phần tại một số thị trường quan trọng ở Bắc Âu. Trước đây, những quốc gia này là thị trường chủ chốt cho các lô hàng vận chuyển từ vùng Baltic và Bắc Cực của Nga.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, từ ngày 18/10-18/11, Nga chỉ xuất khẩu 95.000 thùng dầu/ngày sang thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan - điểm đến duy nhất còn lại ở châu Âu cho dầu giao hàng bằng đường biển của Nga bên ngoài lưu vực Địa Trung Hải/Biển Đen. Trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Nga xuất khẩu hơn 1,2 triệu thùng/ngày tới các cảng ở khu vực này. Các nước như Lithuania, Pháp và Đức đều đã ngừng nhập khẩu dầu Nga qua đường biển vài tháng trước, trong khi Ba Lan có động thái tương tự vào tháng 9.
Tính chung, xuất khẩu dầu thô của Nga qua đường biển sang các nước châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay, bình quân 569.000 thùng/ngày trong giai đoạn 18/10-19/11. Con số này giảm 18% so với 28 ngày trước đó. Số liệu này không bao gồm lượng xuất khẩu dầu Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Dữ liệu cho thấy khoảng 75% số dầu thô đi qua các hải cảng trên biển Baltic của Nga giờ đây chuyển hướng sang châu Á.
Trong khi đó, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến công bố mức giá trần sẽ áp đặt đối với dầu thô Nga sớm nhất vào ngày 23/11 và đưa vào thực thi cùng ngày với lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU. Những lô dầu có giá trên giá trần sẽ không tiếp cận được các dịch vụ vận tải, bảo hiểm và dịch vụ hàng hải khác của châu Âu và Anh.
Trong tuần tính tới ngày 18/11, tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga đã giảm xuống còn 2,67 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 9 tuần. Lượng xuất khẩu bình quân 4 tuần cũng giảm, dù vẫn ở trên mức 3 triệu thùng/ngày tuần thứ sáu liên tiếp. Dầu xuất khẩu liên tục giảm khiến doanh thu hàng tuần từ hoạt động xuất khẩu dầu của điện Kremlin giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - ba nước mua dầu Nga lớn nhất hiện tại - cộng với lượng dầu đang vận chuyển chưa tiết lộ điểm đến cuối cùng đã tăng lên mức kỷ lục 2,45 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ 18/10-18/11.
Theo các nhà phân tích, việc Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang châu Á đang làm thay đổi dòng chảy thương mại và hồi sinh các tàu chở dầu già cỗi lẽ ra đã có thể trở thành phế liệu của nước này.
Hiện tại, các tàu chở dầu thô của Nga ngày càng thận trọng hơn về điểm đến cuối cùng của mình. Dữ liệu cho thấy có sự tăng vọt về số lượng tàu rời các hải cảng ở Baltic và thông báo điểm đến tiếp theo của họ là thành phố Port Said (Ai Cập) hoặc Kênh đào Suez. Nhiều khả năng hầu hết các tàu này sẽ hướng tới cảng biển của Ấn Độ sau khi đi qua kênh đào.
Mới đây, tàu chở dầu Vasily Dinkov từ cảng Murmansk của Nga đã đến Trung Quốc qua Tuyến đường Biển Bắc (Northern Sea Route - NSR), dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga. Tàu này đã cập cảng Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước và đang neo đậu chờ dỡ hàng.
Trong một diễn biến khác, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin độc quyền cho biết OPEC+, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác gồm Nga, đang cân nhắc tăng sản lượng tối đa 500.000 thùng/ngày.
Động thái này được cho là có thể giúp giải tỏa căng thẳng giữa Saudi Arabia và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời duy trì dòng chảy dầu sau khi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga có hiệu lực.
Quyết định tăng sản lượng sẽ được thảo luận tại cuộc họp ngày 4/12 tới của OPEC+, một ngày trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của EU và giá trần của G7 cùng các đồng minh có hiệu lực, nguồn tin cho hay.
Tuy nhiên, sau khi Wall Street Journal và một số hãng thông tấn khác đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman đã phủ nhận thông tin này và khẳng định thay vì tăng sản lượng, OPEC+ có thể cân nhắc cắt giảm sản lượng.