Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu được TS Rainer Zitelmann viết dựa trên luận án tiến sĩ của chính ông, là công trình nghiên cứu chuyên sâu, phỏng vấn người thật việc thật.
Đây không phải một cuốn sách dạy làm giàu một cách mì ăn liền, mà dựa trên những dữ kiện khoa học, để độc giả phần nào có được một cái nhìn trực quan về cách tư duy của giới siêu giàu.
Làm gì để trở nên siêu giàu?
Ngày 20/9, TS Rainer Zitelmann có một buổi talkshow giao lưu trực tiếp với độc giả Việt. Tại đây, ông chia sẻ giá trị thực tiễn được truyền tải qua cuốn sách. Ông tin rằng muốn giàu thì phải biết bơi ngược dòng, đi ngược lại đám đông, muốn làm được điều khác lạ thì phải suy nghĩ khác và phải dám nghĩ dám làm, biết đối mặt với thất bại. “Một khi làm chủ được thất bại, người ta làm chủ được số phận”, Zitelmann nói.
Ông nhận định không ai giàu được nếu cứ làm theo những gì người khác đã làm. “Chỉ số ít người tham gia khảo sát đồng ý với quan điểm ‘tôi tự nhận mình là một người thích tạo lối đi riêng cho bản thân’. Đa số người tham gia phỏng vấn, phần lớn là các nhà đầu tư, thừa nhận thành công của họ đến từ khả năng ‘bơi ngược dòng’”, Zitelmann chia sẻ.
Theo Rainer Zitelmann, phần đông con người không muốn trở nên khác biệt, mà muốn làm theo số đông để có cảm giác an toàn. Vì lẽ này, nhóm người siêu giàu luôn chỉ là thiểu số.
Người giàu cũng thường không so sánh mình với những người nghèo hơn mà họ nhìn những người giỏi giang hơn để thêm động lực cố gắng.
Tác giả Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu cho biết việc tiếp cận phỏng vấn những người thuộc giới siêu giàu thường khó. Ông nhận thấy có một xu hướng đáng chú ý khác, đó là người giàu thường khá kín tiếng.
Ngoài ra, giới siêu giàu thiên về quyết định cảm tính hơn. Họ sử dụng trực giác nhiều hơn và tin vào trực giác hơn là phân tích. Theo Zitelmann, quyết định cảm tính là một khả năng bẩm sinh nhưng cũng được rèn luyện và tích lũy từ trải nghiệm trong cuộc sống. Zitelmann cho rằng: “Tri thức tiềm ẩn là kết quả từ phương pháp học vô thức, nên không quá ngạc nhiên rằng trình độ học vấn không phải là yếu tố then chốt đem lại sự giàu có”.
Phụ nữ có ham muốn làm giàu mạnh mẽ
Tại buổi giao lưu ra mắt sách, TS Rainer Zitelmann chia sẻ cái nhìn của ông về xu hướng làm giàu ở Việt Nam. Theo quan sát của vị tiến sĩ, từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam mở hơn, chính phủ tạo nhiều bước tiến đáng khuyến khích.
Zitelmann cho biết ông từng thực hiện khảo sát về ham muốn giàu có ở nhiều quốc gia trên thế giới và thu được kết quả như sau: ở châu Âu, khoảng hơn 28% người được phỏng vấn muốn trở nên giàu có, ở Nhật Bản là 43%, ở Trung Quốc tỉ lệ chiếm khoảng 50%, ở Hàn Quốc thì khoảng 63% và Việt Nam có tỉ lệ cao nhất: 76%. Qua đó, Zitelmann nhận thấy Việt Nam là một đất nước có khao khát làm giàu lớn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ ham muốn làm giàu của phụ nữ cao hơn của đàn ông ở Việt Nam: có tới khoảng 80% phụ nữ Việt Nam muốn trở nên giàu có. Việt Nam cũng có nhiều phụ nữ trở thành lãnh đạo cao cấp trong các công ty hơn nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Hàn Quốc. Ông nghĩ rằng nữ giới Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và có ý chí mạnh mẽ đặc biệt.