Thị trường du lịch hàng không toàn cầu đang nắm bắt cơ hội vàng để phục hồi khi Trung Quốc mở cửa trở lại, theo China Daily.
Avolon Holdings, một công ty cho thuê máy bay có trụ sở tại Dublin, cho biết nhờ việc mở cửa trở lại của thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, lượng hành khách hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn trong vài tháng tới.
Triển vọng phục hồi
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết thông báo của chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả việc dỡ bỏ kiểm dịch đối với du khách quốc tế đến và dỡ bỏ các hạn chế chuyến bay, là bước tiến tích cực trong việc hỗ trợ phục hồi trong ngành hàng không.
IATA khẳng định điều quan trọng đối với ngành hàng không ở Trung Quốc là phải chuẩn bị tốt và có nguồn lực để xử lý lượng khách du lịch hàng không dự kiến tăng cao. Điều này nhằm tránh sự gián đoạn du lịch và các vấn đề đã thấy ở những quốc gia trên thế giới khi biên giới mở cửa trở lại.
"Trong triển vọng ngành được công bố vào đầu tháng 12/2022, chúng tôi dự đoán lưu lượng hành khách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2023 sẽ đạt 70% so với năm 2019. Triển vọng này đi kèm giả định việc nới lỏng dần các hạn chế ở Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại các biên giới vào tháng 1 có tác động tích cực đến tốc độ phục hồi của khu vực", IATA cho biết.
Vào tháng 1, công suất chuyến bay của các hãng hàng không toàn cầu đến và đi từ Trung Quốc chỉ bằng 11% so với năm 2019. Đến tháng 4, con số này dự kiến tăng lên 25%, theo nhà cung cấp dữ liệu du lịch Cirium.
Theo cục quản lý xuất nhập cảnh quốc gia, trong kỳ nghỉ lễ ngày 21-27/1, Trung Quốc có trung bình 410.000 lượt xuất cảnh và nhập cảnh mỗi ngày, tăng 120,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trang web đặt vé du lịch Expedia Group cho biết sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa lại biên giới, lượng tìm kiếm vé máy bay từ Mỹ và châu Âu đến Trung Quốc đã tăng gấp đôi trên nền tảng này.
Ráo riết trở lại
Hãng hàng không Emirates (trụ sở tại UAE) đã mở rộng hoạt động tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu đi lại mạnh mẽ của khách hàng. Hãng có kế hoạch tăng cường kết nối đến Quảng Châu, Quảng Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới và nới lỏng các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19 từ ngày 8/1.
Từ ngày 20/1, Emirates đã nối lại dịch vụ chở khách đến Thượng Hải với hai chuyến bay hàng tuần do máy bay Airbus A380 khai thác. Dịch vụ đã tăng tần suất hoạt động lên bốn chuyến hàng tuần từ ngày 2/2.
Emirates cho biết sẽ tăng thêm số chuyến trong tuyến Dubai - Thượng Hải từ ngày 1/3 với các chuyến bay thẳng hàng ngày. Hãng đã tăng cường dịch vụ giữa Dubai và Quảng Châu với các chuyến bay thẳng hàng ngày do A380 khai thác từ ngày 1/2. Emirates cũng sẽ nối lại các chuyến bay thẳng đến Bắc Kinh từ Dubai bắt đầu từ ngày 15/3.
Đến giữa tháng 3, Emirates dự kiến có 21 chuyến bay đến Trung Quốc mỗi tuần. Điều này mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách doanh nhân và khách du lịch, đồng thời góp phần phục hồi ngành du lịch của Trung Quốc.
Tương tự, Saudia Airlines, hãng hàng không quốc gia của Saudi Arabia, mới đây đã khai trương các đường bay đến 10 điểm đến mới, bao gồm Bangkok, Barcelona, Moscow, Seoul và Amsterdam. Hãng có kế hoạch khai trương các đường bay đến Bắc Kinh trong thời gian tới.
Ngoài ra, Qatar Airways (trụ sở tại Doha) đã mở rộng đáng kể hoạt động tại Trung Quốc. Từ ngày 15/1, hãng hàng không quốc gia Qatar đã nối lại đường bay một chuyến/tuần giữa Doha và sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải.
Trước đó, hãng đã tăng số chuyến giữa Doha và Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, lên hai lần/tuần. Qatar Airways cũng đang tăng cường mạng lưới tại khu vực Quảng Đông - Hong Kong - Macao. Số chuyến bay đến Hong Kong của hãng đã tăng lên 11 chuyến hàng tuần kể từ ngày 16/1 và 4 chuyến bay hàng tuần đến Quảng Châu từ ngày 15/2.
Hãng hàng không Etihad Airways (trụ sở tại Abu Dhabi) đã bắt đầu bay đến Quảng Châu vào tháng 10/2022. Hãng này cũng có các chuyến bay đến Thượng Hải và Bắc Kinh.
Theo số liệu thống kê do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc công bố, du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19 đã cho thấy sự phục hồi vượt bậc nhờ lượng du lịch quốc tế tăng đều đặn.
Khởi đầu của sự phục hồi bắt nguồn từ dòng khách du lịch đến châu Âu và Trung Đông trong nửa đầu năm 2022, tiếp theo là Mỹ và Châu Phi.
Sự hồi sinh của du lịch ở châu Á có thể được chứng minh bằng nhu cầu đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Singapore và Hàn Quốc. Theo UNWTO, du lịch nội địa ngày càng tăng ở các nước châu Á cũng cho thấy nhiều hứa hẹn, khiến ngành du lịch của khu vực này trở thành ngành đầu tiên phục hồi vào năm 2023 so với các châu lục khác.
Ngày 7/2, Vietnam Airlines thông báo nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay.
Cụ thể, từ tháng 3, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay/tuần. Đồng thời, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải - mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến bay/tuần.
Từ tháng 4/2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, với tần suất 2 chuyến bay/tuần trên mỗi đường bay.
Ngoài ra, từ tháng 9/2023, Vietnam Airlines có kế hoạch đưa máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP.HCM và Thượng Hải.