Các ngân hàng trong hệ thống tài chính Mỹ rung chuyển
Theo WSJ, đây là đợt mà chỉ số của các ngân hàng giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát gần 3 năm trước.
Các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu của SVB Financial Group, công ty mẹ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), và một loạt các ngân hàng khác. Chỉ trong ngày 9/3, bốn ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã mất 52 tỷ USD giá trị thị trường. Chỉ số Ngân hàng Nasdaq KBW ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch làm chao đảo thị trường gần 3 năm trước.
Cổ phiếu của SVB Financial Group, đã giảm hơn 60% sau khi tập đoàn tiết lộ khoản lỗ và tìm cách huy động 2,25 tỷ USD vốn mới bằng cách bán cổ phiếu.
Cổ phiếu các ngân hàng lớn và nhỏ đều giảm mạnh. PacWest Bancorp giảm 25% và First Republic Bank mất 17%. Charles Schwab Corp. giảm 13%, trong khi US Bancorp mất 7%. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan Chase & Co., giảm 5,4%.
Sự sụt giảm mạnh về giá trị không hẳn là vấn đề đối với các ngân hàng, trừ khi họ buộc phải bán tài sản để bù đắp cho việc thiếu hụt vốn. Hầu hết các ngân hàng không làm như vậy, mặc dù khách hàng của họ đang bắt đầu rút tiền để chuyển sang các loại tài sản có năng suất cao hơn.
Tuy nhiên, một số ngân hàng đã gặp rắc rối trong tuần này, làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng khác có thể buộc phải chấp nhận thua lỗ để huy động tiền mặt.
Câu chuyện của Silvergate Bank và SVB
Trong tuần này, Silvergate Capital Corporation đã thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động và thanh lý Ngân hàng Silvergate sau một năm đầy biến động. Việc tập trung vào các khách hàng tiền điện tử đã khiến cho ngân hàng này được mệnh danh là ngân hàng tiền số. Khi ngành này đối mặt với khủng hoảng, Silvergate cũng phải chịu giám sát.
Thất bại của Silvergate đang làm dấy lên những dấu hiệu cảnh báo cho ngành ngân hàng Mỹ nói chung. Những vấn đề có lẽ không chỉ còn xoay quanh riêng ngân hàng này và ngành tiền số, mà sự thất bại của họ có thể chỉ ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản lớn hơn nhiều.
Mấu chốt của những rắc rối xảy đến với Ngân hàng Silvergate có thể được xác định là do lượng tiền gửi giảm mạnh trong quý 4 năm 2022, từ 11,9 tỷ USD vào tháng 9/2022 xuống còn 3,8 tỷ USD vào cuối năm. Khi tiền gửi tiếp tục giảm, Silvergate đã bán cổ phiếu trong bảng cân đối kế toán, dẫn đến khoản lỗ 718 triệu USD. Con số này lớn hơn tất cả khoản lợi nhuận của ngân hàng từ năm 2013.
Cũng trong tuần này, tập đoàn SVB Financial Group thông báo khoản lỗ 1,8 tỷ USD sau khi bán phần lớn danh mục đầu tư chứng khoán của công ty. Ngân hàng SVB tuyên bố họ đang gấp rút huy động 2,25 tỷ USD tiền vốn. Song, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã ngay lập tức thông báo đóng cửa và tịch thu tài sản của SVB.
Điểm chung của cả hai trường hợp này sẽ là thứ mà các ngân hàng khác cần phải dè chừng. Nhìn chung, Silvergate Bank và SVB đều gặp phải thách thức giống nhau là tình trạng rút tiền ồ ạt. Những khách hàng trước đây của họ, cho dù là sàn giao dịch tiền số hay công ty khởi nghiệp công nghệ, đều đang đối mặt với thách thức kinh doanh lớn. Một phần có thể xuất phát từ các điều kiện kinh tế và tài chính.
Điều đó dẫn đến việc giảm tiền gửi và tăng cường rút tiền mặt vào đúng thời điểm mà nhiều tài sản phi tiền mặt của các ngân hàng bị thị trường vùi dập. Khi nhu cầu tiền mặt tăng cao, Silvergate và SVB phải chấp nhận bán những tài sản đó với khoản lỗ lớn.
Có hai nguyên nhân dẫn đến những vấn đề kể trên. Thứ nhất đó là vấn đề chu kỳ kinh doanh thực tế. Cả hai ngân hàng cùng phục vụ cho các lĩnh vực bùng nổ suốt thời kỳ đại dịch đó là tiền số và các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm. Sau khi hưởng lợi trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, bảng cân đối kế toán của SVB đã tăng gấp 3 lần kể từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2021. Tài sản của Silvergate cũng tăng ồ ạt vào năm 2021.
Nguyên nhân thứ hai là việc thắt chặt lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Những nỗ lực của Fed nhằm kiếm chế lạm phát thông qua hàng loạt đợt tăng lãi suất khiến các ngân hàng gặp vấn đề về định giá tài sản, thứ có thể gây rắc rối đáng kể cho ngành.
Vào thời điểm mà lãi suất của trái phiếu vẫn ở mức khoảng 1%, cả hai ngân hàng lẽ ra cần mua nhiều trái phiếu hơn làm tài sản thế chấp. Lãi suất trái phiếu mới hiện gần 4% do Fed thắt chặt chính sách, làm giảm nhu cầu đối với trái phiếu cũ. Đó là lý do tại sao vào đúng thời điểm khách hàng bắt đầu rút tiền gửi, Silvergate và SVB phải bán tài sản thanh khoản khi thua lỗ.