Cà phê Arabica tăng hơn 3%, dẫn dắt xu hướng. |
Về cà phê, dự báo nguồn cung cà phê niên vụ 2021/2022 tại Brazil bị thu hẹp, giúp Arabica tiếp tục tăng mạnh hơn 3%.
Gil Barabach, công ty tư vấn tại Brazil, mới đây đã chỉ ra sản lượng cà phê niên vụ 21/22 tại Brazil dự kiến sẽ thấp hơn mức ước tính 61,1 triệu bao loại 60kg, điều mà được Safras Mercado dự đoán trước đó.
Bên cạnh đó, việc thời tiết khô nóng kéo dài trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục trong tháng 09, làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến sản lượng cà phê niên vụ 22/23, là những yếu tố thúc đẩy giá cà phê tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Đồng Real tăng hơn 1% cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ đà tăng của giá.
Theo sau đà tăng của cà phê là dầu cọ với mức tăng gần 2%.
Nguyên nhân chính lý giải cho điều này dến từ nhu cầu gia tăng khi Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết, Ấn Độ cam kết nhập khẩu 2,6 triệu tấn dầu cọ với tổng giá trị 3,16 tỷ USD.
Ở hướng ngược lại, bông dẫn đầu đà giảm của nhóm do những thông tin thời tiết tích cực đối với chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ.
Cụ thể, dự báo thời tiết trong 10 ngày tới cho thấy, mưa xuất hiện ở khu vực phía Nam, trong đó có các bang sản xuất bông chính của Mỹ, được kỳ vọng sẽ bù đắp lượng nước thiếu hụt sau thời gian khô nóng kéo dài, từ đó cải thiện chất lượng mùa vụ đang ở mức thấp nhất 5 năm và giảm bớt lo ngại về nguồn cung niên vụ 22/23.
Mặt hàng đường có lực mua và bán khá cân bằng, tuy nhiên đóng cửa giá đường 11 suy yếu nhẹ 0,28%.
Các thông tin cơ bản diễn biến trái chiều đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự giằng co này.
Cụ thể, Conab, Cơ quan Cung ứng chính phủ Brazil dự báo sản lượng đường niên vụ 22/23 giảm mạnh 6,4 triệu tấn so với dự đoán trước đó, gây là lo ngại về nguồn cung thu hẹp, trong khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm tại Brazil lại đang ủng hộ cho việc ưu tiên mía cho sản xuất đường, khiến nguồn cung nới lỏng.
Mặt khác, thị trường chứng khoán rực lửa khi các mã cổ phiếu đều suy yếu, hoạt động của các nhà máy tại Nhật Bản vào tháng 08 tăng trưởng chậm nhất trong 19 tháng gần đây, trước bối cảnh chi phí nguyên liệu và năng lượng gia tăng cùng lo ngại suy thoái kinh tế và điều này dấy lên lo ngại tiêu thụ mờ nhạt trong nước, và cũng là nguyên nhân khiến giá 2 mặt hàng cao su trong phiên hôm qua đồng loạt suy yếu.