Ngành hàng không Mỹ đang trải qua một trong những thời kỳ ăn nên làm ra nhất lịch sử. Nhưng ngược lại, hành khách đi máy bay đang phải trả giá đắt.
Doanh thu trong các tháng 4, 5, 6 của các hãng hàng không Mỹ lập kỷ lục nhờ giá vé tăng cao, lượng khách hàng lớn. Nhưng việc giá vé tăng mạnh cùng nhiều dịch vụ hàng không gián đoạn do thiếu hụt lao động khiến tình hình các chuyến bay trở nên tồi tệ với hành khách, theo CNN.
Doanh thu kỷ lục
Trong Quý II, 4 hãng hàng không lớn nhất gồm American Airlines, United Airlines, Delta Airlines và Southwest Airlines, chiếm 80% thị phần hàng không Mỹ, kiếm được 2,8 tỷ USD. Doanh số bán hàng của các hãng đạt 46 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Trong tháng 6, các hãng hàng không ghi nhận số lượng đặt vé du lịch cho thời gian còn lại của mùa hè cao kỷ lục. Giữa bối cảnh ấy, tổng số chỗ ngồi trên các chuyến bay của 4 hãng hàng không lớn nhất lại giảm 13% so với năm 2019.
Bởi nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong khi năng lực phục vụ của các hãng hàng không có hạn, giá vé đã tăng cao ngất ngưởng.
Số tiền hành khách phải trả cho mỗi dặm bay của 4 hãng hàng không lớn tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mức doanh thu so với công suất phục vụ cũng đã tăng 22%.
Dù vậy, những số liệu nói trên không phản ánh toàn cảnh bức tranh. Hoạt động kinh doanh và di chuyển quốc tế vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch. Giá vé máy bay quốc tế cao hơn hẳn so với bay nội địa.
Trước đây, các hãng thường tránh tăng giá vé nội địa, vé phổ thông bằng cách tăng giá vé hạng thương gia và di chuyển quốc tế. Nhưng năm nay, tăng giá vé chủ yếu do nhu cầu du lịch.
"Ngay lúc này, khách du lịch sẵn sàng trả giá vé đắt hơn", Jim Corridore, quản lý hàng nghiên cứu Similarweb, cho biết.
Dịch vụ tại các sân bay ở Mỹ cũng đang gặp những vấn đề nan giải. Theo công ty theo dõi dịch vụ hàng không Flight Aware, khoảng 134.000 chuyến bay tại Mỹ đã bị hủy từ đầu năm đến nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021, chiếm 2,6% tổng số chuyến bay.
Giá vé tiếp tục tăng?
Ngành hàng không đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân viên để ứng phó các sự kiện bất thường như thời tiết xấu, chậm chuyến, hay khi phi hành đoàn đã phục vụ tối đa thời gian cho phép và cần nghỉ ngơi.
Thiếu phi công buộc các hãng hàng không dừng bay hoặc giảm số chuyến bay tới các thị trường nhỏ hơn, hạn chế đáng kể khả năng đi lại của hành khách.
Trong thời gian đại dịch, các hãng hàng không từng đề xuất các gói nghỉ hưu sớm hoặc ưu đãi để cắt giảm nhân sự tự nguyện. Lúc này, tất cả lại gặp khó trong nỗ lực tuyển dụng nhân sự nhằm khôi phục năng suất phục vụ như trước.
"Rất nhiều phi công đã về hưu, thay thế họ là điều không dễ. Sẽ mất một năm hoặc hơn để các hãng hàng không xây dựng lịch trình bay đáp ứng mức độ nhu cầu hiện nay", ông Corridore nói.
Do nhiều nguyên nhân tổng hòa, Bộ Giao thông Mỹ đã nhận số khiếu nại từ hành khách bay nhiều gấp hơn 3 lần so với thời gian trước đại dịch.
Tháng trước, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Alex Padilla đã hối thúc Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigied chấn chỉnh hoạt động của ngành hàng không.
Hôm 3/8, Bộ Giao thông Mỹ thông thông báo quy định mới yêu cầu hoàn tiền hành khách nếu chuyến bay bị hủy hoặc gián đoạn. Hoàn tiền áp dụng với chuyến bay nội địa chậm từ 3 giờ trở lên, chuyến bay quốc tế chậm từ 6 giờ trở lên, chuyến bay bị tăng số điểm chuyển tiếp hoặc thay đổi loại máy bay.
Dù vậy, Bộ Giao thông Mỹ không thể làm được gì nhiều để tác động tới giá vé máy bay.
Nhiều ý kiến đổ lỗi tình trạng lộn xộn hiện nay cho quá trình sáp nhập của các hãng hàng không suốt 20 năm qua. 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ hiện nay được tạo ra từ 10 hãng bay thông qua hàng loạt vụ sáp nhập.
Tuần trước, xuất hiện thêm thông tin về một vụ sáp nhập tiếp theo trong ngành hàng không, làm dấy lên lo ngại giá vé một lần nữa bị đẩy cao.
Hãng hàng không giá rẻ Spirit Airlines, người tiên phong trong cung cấp chuyến bay giá rẻ, đang đe dọa thị phần các ông lớn, buộc các hãng phải giảm giá vé với các chuyến bay có dịch vụ tương tự.
Hôm 28/7, Spirit Airlines chấp nhận đề nghị thâu tóm của JetBlue Airways trị giá 3,8 tỷ USD bằng tiền mặt. Thương vụ này, nếu được nhà chức trách phê chuẩn, sẽ cho ra đời hãng hàng không lớn thứ 5 của nước Mỹ.
Dù JetBlue tuyên bố sẽ tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn với 4 đối thủ lớn trong ngành, các chuyên gia cho rằng việc Spirit bị xóa sổ sẽ mở đường cho một đợt tăng giá vé mới.
"Khi một đối thủ cạnh tranh về giá biến mất, giá vé nhiều khả năng sẽ tăng vọt", ông Corridore nhận định.