Ngày 31/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo bổ sung cổ phiếu PVD của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Theo đó, toàn bộ 556 triệu cổ phiếu PVD đang lưu hành sẽ bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo soát xét bán niên 2022 âm 116 tỷ đồng.
PVD là mã chứng khoán mới nhất rơi vào danh sách 67 mã không được dùng đòn bẩy nợ để đầu tư trên sàn HoSE.
Những khoản lỗ bán niên
PV Drilling là một trong các tổng công ty thuộc nhóm ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán và nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư khi có gần 47.000 cổ đông.
Mã chứng khoán này thường lọt nhóm giao dịch lớn trên thị trường khi đạt hơn 10 triệu cổ phiếu/phiên trong một tháng gần nhất, tương đương khoảng hơn 200 tỷ đồng được các nhà đầu tư sang tay mỗi ngày.
Trong phiên cuối tháng 8, mã cổ phiếu này đã lao dốc 4,2% về mức 20.700 đồng/đơn vị sau thông tin tiêu cực bên trên. Việc cắt margin gây ra áp lực bán lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy nợ, buộc phải hạ tỷ trọng về đúng mức quy định.
Trước đó vào phiên 30/8, HoSE cũng đồng loạt bổ sung đến 7 mã chứng khoán vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân tương tự là doanh nghiệp bị lỗ ròng trên báo cáo soát xét bán niên.
Các mã này gồm VDS của Chứng khoán Rồng Việt; ASP của Tập đoàn Dầu khí An Pha; BCE của Xây dựng và Giao thông Bình Dương; LEC của Bất động sản Điện lực Miền Trung; MHC của Marina Holdings; SBV của Siam Brothers Việt Nam và VIP của Vận tải Xăng dầu Vipco.
Nổi bật trong số này là cổ phiếu VDS được giao dịch gần 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên (tức hơn 10 tỷ đồng /phiên). Tuy nhiên, thanh khoản VDS đã suy giảm phân nửa trong các phiên gần nhất do thông tin cắt margin.
Tương tự, mã MHC trong một tháng gần đây ghi nhận mức thanh khoản gần 200.000 cổ phiếu/phiên (giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng /phiên) nhưng bất ngờ giảm phân nửa lượng giao dịch sau tin tiêu cực.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với các mã khác như ASP, BCE, VIP, thông tin bị cắt margin đã gây áp lực bán để đưa tỷ lệ về mức quy định và sau đó thanh khoản cũng bị bốc hơi phân nửa.
Cắt margin nhiều mã "nóng"
Tính đến cuối tháng 8, HoSE đã liệt kê 67 mã chứng khoán bị cắt margin. Bên cạnh các cổ phiếu kể trên do lỗ ròng sau soát xét thì còn nhiều mã chứng khoán khác cũng không được sử dụng đòn bẩy nợ do nhiều lý do khác.
Các nguyên nhân chủ yếu là chứng khoán thuộc các diện cảnh báo hoặc diện kiểm soát do vi phạm công bố thông tin, thời gian niêm yết dưới 6 tháng...
Đáng chú ý, cổ phiếu ITA của Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo bị đưa vào danh sách cắt margin do vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong năm 2022.
Trước đó, HoSE nhiều lần nhắc nhở Tân Tạo phải công bố thông tin về giao dịch với các bên có liên quan và phương án khắc phục ý kiến kiểm toán, nhắc nhở công bố thông tin về việc mở thủ tục phá sản cách đây 4 năm, công bố thông tin về người nội bộ, giải trình báo cáo tài chính...
ITA cũng là mã chứng khoán thu hút lớn sự quan tâm của nhà đầu tư với thanh khoản gần 9 triệu cổ phiếu/phiên gần đây. Áp lực bán sau một loạt thông tin tiêu cực khiến thị giá ITA đi xuống 15% trong một tháng gần đây và mất hơn 60% kể từ đầu năm.
Một cổ phiếu vốn hóa lớn là VIC của Vingroup cũng nằm trong danh sách cắt margin kể từ tháng 4 đến nay do thua lỗ trong năm tài chính 2021. Đây là mã duy nhất trong nhóm VN30 mà nhà đầu tư không thể sử dụng đòn bẩy tài chính để giao dịch.
Tuy nhiên, điều này có thể sớm dừng lại khi Vingroup mới đây đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với con số có lãi 5.846 tỷ đồng . Đây là điều kiện cần để HoSE xem xét đưa cổ phiếu VIC ra khỏi danh sách không được giao dịch margin.
Tương tự, mã chứng khoán VNS của Vinasun mới đây đã được HoSE chấp thuận đưa ra khỏi diện kiểm soát kể từ ngày 5/9 do công ty đã có lãi bán niên 2022, từ đó có thể sớm được cấp margin trở lại.
Một số cái tên trong danh sách cắt margin đáng kể như HAG của Hoàng Anh Gia Lai và HNG của HAGL Agrico do các mã này đang thuộc diện kiểm soát và diện cảnh báo.
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu FLC, HAI và ROS đều thuộc diện cảnh báo; HVN của Vietnam Airlines đã bị cắt margin kể từ cuối năm 2021 do kinh doanh thua lỗ. Các mã GAB, POM hay VMD bị cắt margin do chậm nộp báo cáo tài chính...
Không chỉ có trên HoSE, sàn HNX gần đây cũng đã bổ sung một loạt cổ phiếu "nóng" vào danh sách không được dùng đòn bẩy để đầu tư.
Trong đó có trường hợp của SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) bị cắt margin do kết quả kinh doanh chuyển từ lãi trên báo cáo tự lập sang báo lỗ trên báo cáo soát xét bán niên 2022.
Tương tự, NDN của Nhà Đà Nẵng không được giao dịch ký quỹ sau khi kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ trong báo cáo bán niên và cũng kinh doanh thua lỗ.
Nhiều mã chứng khoán có lượng giao dịch lớn khác cũng vào danh sách không được giao dịch margin như APS của Chứng khoán Apec; TVC của Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt; VKC của VKC Holdings; SDA của Simco Sông Đà...
Margin hay đòn bẩy tài chính là hình thức khá phổ biến trên thị trường khi nhà đầu tư vay tiền của các công ty chứng khoán để mua cổ phiếu, nhưng không vượt quá tỷ lệ cho phép của cơ quan quản lý.
Khi một cổ phiếu bị các Sở giao dịch chứng khoán cắt margin (tức ngừng giao dịch ký quỹ) thì nhà đầu tư sẽ không thể vay tiền mới để mua mã chứng khoán này, hoặc phải bán cổ phiếu hoặc nộp thêm tiền để đưa về đúng tỷ lệ quy định.
Việc sử dụng margin mang lại lợi ích lớn khi nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Nếu cổ phiếu biến động khả quan sẽ giúp nhà đầu tư kiếm được tỷ suất sinh lợi cao hơn mức biến động. Nhưng ngược lại nếu dự báo sai, công cụ nợ này có thể khiến các khoản lỗ bị phình to hơn.