Kiến nghị giữ nguyên như cũ
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng đang đề xuất, có hai phương án quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Theo đó, phương án 1, quy định thời hạn sở hữu chung cư căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án 2, không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư mà giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến khu vực miền Nam ngày 30/9, đa phần các doanh nghiệp bất động sản đều kiến nghị giữ nguyên hình thức sử hữu chung cư lâu dài như hiện nay, không thay đổi để hạn chế sự xáo trộn thị trường và tránh gây tâm lý bất an cho người mua căn hộ.
Cụ thể, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị: Bộ Xây dựng nên duy trì chính sách chung cư sở hữu không thời hạn như hiện nay cho phù hợp với luật Đất đai hiện hành. Thực tiễn các đô thị lớn, việc quy hoạch quỹ đất cho hạ tầng xã hội, trở thành đô thị nén, khai thác không gian ngầm nên khuyến khích, chuyển người dân lên ở chung cư.
Ông Dũng cũng cho rằng thời điểm này là không phù hợp vì còn phải khuyến khích người dân lên ở chung cư, dành quỹ đất cho xây dựng hạ tầng. Vì thế, quy định này nên lùi lại. Quy định sở hữu chung cư có thời hạn mục đích là giúp cho việc quản lý dễ dàng hơn, nhưng gây khó khăn cho người dân. Nếu muốn cải tạo chung cư cũ thì hiện nay luật đã quy định là lấy ý kiến tỷ lệ bao nhiêu là phải đập đi xây dựng lại. Người dân được sở hữu lâu dài, nhưng khi có văn bản của cơ quan chức năng khuyến cáo tòa nhà mất an toàn, thì các bên họp lại để quyết định phá đi xây lại với tỷ lệ quá bán là được. Vấn đề này có phạm vi ảnh hưởng lớn, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, điều tra xã hội học thật kỹ rồi mới bàn bạc, thảo luận để cân nhắc nên hay không nên quy định thời hạn sở hữu chung cư.
Đại diện Công ty Lotte, đơn vị đang là chủ đầu tư dự án siêu đô thị cao tầng tại khu Đông TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng tâm lý người Việt Nam luôn muốn an cư lạc nghiệp, cần nhà ở ổn định lâu dài. Vì vậy, không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, động chạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân.
"Thay vì quy định sở hữu chung cư có thời hạn, Nhà nước nên quy định chặt chẽ hơn về chất lượng công trình và các cách thức tu bổ sửa chữa để thúc đẩy thị trường căn hộ phát triển ổn định" – đại diện Lotte kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh HoREA) cho biết, tại thời điểm này, chưa nên vội vàng quy định sở hữu chung cư có thời hạn vì đi ngược lòng dân. Về niên hạn công trình, ông Châu cho rằng cần tách bạch với quyền sở hữu. Theo đó, thời gian sử dụng chung cư đã được quy định khi công trình xuống cấp sẽ được giám định chất lượng kỹ lưỡng.
Chủ tịch HoREA đánh giá, xét theo tâm lý của đại đa số người Việt đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài và thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới từng bước được định hình trong một thập niên trở lại đây. Do đó, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn có thể khiến thị trường căn hộ bị "thất sủng", thậm chí suy giảm. "Luật Nhà ở 2014 đã quy định rất cụ thể, giao đất có thời hạn thì xây nhà chung cư sở hữu có thời hạn nhưng giao đất không thời hạn (vĩnh viễn) thì xây nhà chung cư sở hữu lâu dài. Nếu đất sở hữu lâu dài mà nhà chung cư sở hữu có thời hạn là không hợp lý", ông Châu nhấn mạnh.
Hết thời hạn – người dân ở đâu?
Anh Lê Đức Minh (sinh sống tại chung cư Hòa Bình Green city – đường Minh Khai – quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) lo lắng: căn chung cư gia đình đang sinh sống từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được cấp “sổ hồng” vì có nhiều vi phạm chưa được giải quyết với cơ quan chức năng. Như vậy, nếu, dự thảo luật về thời hạn sở hữu cũng như việc có thể bị đập bỏ vì hết hạn sử dụng thì anh rất lo lắng, vì cho đến bây giờ anh còn chưa được cấp quyền sở hữu căn hộ, không biết sau này “số phận” những căn hộ như của anh sẽ được định đoạt như thế nào. Chính vì thế, anh Minh cũng kiến nghị trong dự thảo
Ông Thắng đề nghị trong Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng cần phải nêu rõ giải pháp sau khi công trình hết thời hạn sử dụng thì quyền sở hữu được giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Chị Lương Hồng Nhung - ở khu đô thị thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, chị vay mượn gia đình hai bên và cả ngân hàng mới mua được căn hộ hơn 80m. Hiện tại, giá nhà chung cư đang đẩy lên rất cao nên “phải cố gắng lắm, xoay xở các kiểu mới mua được”. Chị Nhung cũng cho rằng căn chung cư này là tài sản chị sẽ để dành cho con, cho cháu. Chính vì thế nên nghe đề xuất thời hạn sở hữu chung cư chị và gia đình đang rất hoang mang, không đồng tình.
Đa phần người dân Việt Nam vẫn có một tâm lý chung là việc sở hữu nhà không chỉ là nơi để ở mà là một loại tài sản để dành. Nếu chung cư có thời hạn 50-70 năm thì có khác nào đi thuê nhà giá cao?
Bộ Xây dựng: sẽ xem xét hết sức thận trọng trên tinh thần cầu thị
Về câu chuyện sở hữu chung cư này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết sở dĩ đưa ra thời hạn sở hữu chung cư vào luật Nhà ở sửa đổi lần này vì hiện nay nhà nước đang gặp khó khăn trong việc cải tạo, xây mới các chung cư đã xuống cấp. Nhiều chung cư mới 30 - 40 năm đã xuống cấp và đa số là các chung cư từ 8 - 10 tầng nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, xu hướng hiện nay các chung cư sẽ xây cao 30 - 40 - 50 tầng. Do vậy, việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động đến các doanh nghiệp bất động sản, nhưng cần phải nhìn ở góc độ an toàn cho người dân. Ngoài ra, các nước trên thế giới đều quy định về tuổi thọ và thời hạn sở hữu công trình. Vì vậy, Bộ Xây dựng muốn đưa ra quy định này và sẽ lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu các góp ý để cân nhắc xem xét khi soạn thảo luật Nhà ở sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng, quy định về thời hạn sử dụng chung cư sẽ tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp. Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định Bộ sẽ ghi nhận và tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia. Đây là vấn đề rất lớn nên Bộ Xây dựng, ban soạn thảo luật sẽ tiếp tục lắng nghe và bàn bạc kỹ lưỡng, thận trọng về quy định thời hạn sở hữu chung cư. Bộ Xây dựng sẽ rất thận trọng khi xem xét vấn đề này. Việc quy định phải tuân thủ hiến pháp, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đảm bảo thể chế hóa cho được chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.