40 chung cư, nhà cao tầng tồn tại trên trục đường chỉ dài 2 km là con số thường được nhắc đến khi nói về trục đường Lê Văn Lương, nằm trên địa bàn hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy.
Trước đây, một bên đường được dùng để xây nhà tái định cư cho những hộ dân phải giải phóng mặt bằng làm vành đai 3. Nhưng sau gần 13 năm, Lê Văn Lương lại được người dân thủ đô nhớ đến là điểm đen ùn tắc giao thông, nơi tuyến BRT chạy qua và một trong những nơi có mật độ chung cư dày đặc nhất Hà Nội.
Trong kết luận vừa ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt dự án chung cư trên tuyến đường này được UBND Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt điều chỉnh sai quy hoạch, dẫn đến chủ đầu tư xây vượt tầng so với quy hoạch ban đầu, làm tăng dân số và gây áp lực lên hệ thống hạ tầng.
Hàng loạt dự án xây vượt tầng
Kết luận thanh tra chỉ ra năm 2008, sau tờ trình của Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch định hướng về việc điều chỉnh tầng cao lên 25 tầng của dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower, do Tổng Công ty Thành An - Công ty TNHH Một thành viên làm chủ đầu tư.
Việc này không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002 khi tầng cao của công trình ban đầu là 5 tầng.
Sau 3 lần điều chỉnh tiếp theo, dự án đã thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang năm 2002, thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008) rồi thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010).
Việc điều chỉnh làm tăng diện tích đất xây, tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng từ trung bình 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng lên 700 m2, diện tích sàn xây dựng tăng gần 64.000 m2, quy mô dân số tăng từ 500 người lên khoảng 1.308 người (tạm tính 327 căn hộ để ở).
Dự án tiếp theo bị điểm tên trong kết luận thanh tra là khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO (Handiresco Complex), do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.
Với dự án này, UBND Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh một lần sai quy định pháp luật.
4 lần điều chỉnh đã biến từ đất ở thành văn phòng, thương mại thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, một khối văn phòng tại tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ. Việc điều chỉnh làm tăng từ 6,5 lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800 m2.
Trong khi đó, đối với dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise là chủ đầu tư, UBND Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư cho chỉ tiêu quy hoạch ô đất là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 51,7%, cao 15 tầng vào tháng 7/2005.
Sau 2 lần điều chỉnh của UBND Hà Nội và một lần điều chỉnh sai quy định của Sở Quy hoạch Kiến trúc, dự án trên từ đất ở đã biến thành dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở. Tầng cao từ trung bình 7-8 tầng thành khối tháp 9-23-25 tầng, rồi từ 25 tầng thành 27 tầng, làm tăng thêm dân số tạm tính hơn 900 người.
Nhiều dự án chung cư khác cũng được xác định đã làm tăng quy mô dân số lên khoảng 600-1.500 người, đồng thời không đáp ứng đủ hạ tầng cùng dịch vụ tiện ích như: Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại HACC1 TIMETOWER tăng từ 16 lên 25 tầng, chung cư Star City điều chỉnh tầng cao từ trung bình 18,5 tầng thành 25 rồi thành 27 tầng...
Ngoài ra, dự án trụ sở làm việc thuộc Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng do tổng công ty này làm chủ đầu tư là đất quân đội nhưng cũng bị điểm tên trong kết luận thanh tra. Theo quy hoạch chi tiết ban đầu, dự án có mật độ xây dựng 39,6%, cao 12 tầng nhưng sau đó được phê duyệt điều chỉnh thành 18 tầng.
Đề nghị xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm
Trong kết luận, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết dọc khu vực Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, các chủ đầu tư của 31 công trình đã thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận; không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép, sai thiết kế được duyệt.
Đồng thời, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị.
Sai phạm của các dự án trên được quy trách nhiệm thuộc về UBND Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc khi đã có nhiều lần điều chỉnh không thuộc trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không nêu nguyên nhân hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh...
Trong kết luận xử lý và kiến nghị các biện pháp xử lý, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND Hà Nội rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để đảm bảo công tác công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết, quản lý, giám sát quá trình thực hiện.
Đồng thời, UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng cơ quan chức năng rà soát toàn bộ đồ án đã đến kỳ rà soát để xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Sở, ngành chức năng cũng cần khắc phục những vi phạm, tồn tại đã nêu tại kết luận đối với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
UBND Hà Nội cần chỉ đạo, tổ chức đôn đốc thực hiện đầu tư xây dựng đối với các ô quy hoạch công viên cây xanh, công trình hạ tầng xã hội đô thị, diện tích đất cây xanh trong từng dự án công trình để đảm bảo đồng bộ công trình phục vụ đời sống cư dân đô thị, đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị thủ đô.
"Thành phố cần cân nhắc không tiếp tục cho phép chuyển đổi diện tích cây xanh, hạ tầng xã hội thành mục đích khác và có biện pháp xử lý đối với những dự án, công trình chậm tiến độ", Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị.
Thanh tra yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, đơn vị cần chủ động tổ chức rà soát, báo cáo UBND thành phố để khắc phục vi phạm, tồn tại đã nêu trong kết luận.
Ngoài ra, UBND Hà Nội được kiến nghị chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra những vi phạm, tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra.