Theo hãng tin Bloomberg, ngành ngân hàng năm 2008 được cho là tội đồ gây khủng hoảng nền kinh tế khi làm thất thoát hàng tỷ USD trên thị trường tài chính. Hiện nay các ngân hàng thương mại một lần nữa gặp phải chỉ trích, nhưng không phải vì làm mất tiền mà do kiếm quá nhiều tiền.
Đà tăng lãi suất đã khiến các ngân hàng cũng nâng lãi suất cho vay, nhưng lại không làm điều tương tự với tiền gửi. Hệ quả là những ngân hàng này được hưởng lợi lớn từ ăn chênh lệch giữa số tiền lãi cho vay và số phải trả cho người gửi.
Yếu tố này đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong bối cảnh chính phủ phải chống lạm phát còn ngân hàng trung ương thì đang cố cân bằng giữa tăng trưởng với kìm đà tăng giá cả.
Tại Australia, 3 trên 4 ngân hàng lớn nhất nước này đã phải vội vã nâng lãi suất tiền gửi một cách bất thường chỉ sau 2 ngày khi Bộ tài chính tuyên bố sẽ thực hiện cuộc điều tra về chênh lệnh lãi suất.
Tại Hàn Quốc, các quan chức ngành tài chính cũng đang kêu gọi một cuộc điều tra về ăn chênh lệch lãi suất của ngân hàng và thậm chí Tổng thống Yoon Suk Yeol còn chỉ trích động thái hưởng lợi này của các ngân hàng,
Tương tự, các nhà hoạch định chính sách tại Anh đang thảo luận về một loại thuế mới cho ngành ngân hàng nhắm vào lợi nhuận chênh lệch lãi suất.
“Các ngân hàng thương mại hiện nay tăng lãi suất cho vay cực nhanh nhưng họ lại rất chậm làm điều đó với tiền gửi để có thể ăn lợi nhuận chênh lệch. Trong khi đó việc nâng lãi suất tiền gửi là yếu tố cực kỳ quan trọng để hút tiền từ thị trường, qua đó giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế”, Thống đốc Adrian Orr của Ngân hàng trung ương New Zealand (RBN) nhấn mạnh.
Bộ trưởng tài chính Australia Jim Chalmers thì kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra chênh lệch lãi suất cho vay-tiền gửi ở các ngân hàng để báo lại cho chính phủ. Thủ tướng Australia Anthony Albanese thì nhận định việc hưởng lợi này là không thể chấp nhận được.
Tờ Bloomberg cho hay 2 trong số 4 ngân hàng lớn nhất Australia chỉ đề xuất mức lãi tiền gửi là 0,85%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cơ bản 3,35% của chính phủ và mức lãi vay mua nhà 5% của những ngân hàng này.
Bất bình lan rộng
Giám đốc Sally Tindall của RateCity nhận định việc ăn chênh lệch lãi suất đang lan rộng trong ngành ngân hàng và cần được chấn chỉnh lại nếu không muốn gây ảnh hưởng cho nền kinh tế.
“Có rất nhiều người gửi tiền không biết họ đang bị ngân hàng lợi dụng. Lãi suất tiền gửi của họ đáng nhẽ ra có thể tăng gấp 4 lần”, bà Sally bức xúc.
Tại Anh, một loạt các ngân hàng nổi tiếng như HSBC, Lloyds Banking, NatWest...đã bị chỉ trích dữ dội vì không tăng lãi suất tiền gửi theo kịp ngân hàng trung ương (BoE) trong năm vừa qua. Mức lãi suất tiền gửi tại những ngân hàng này chỉ vào khoảng 0,55% trong khi lãi suất cơ bản của BoE là 4%.
Trong khi doanh nghiệp đói vốn thì người gửi tiền lại chẳng mặn mà mấy với các tài khoản tiết kiệm khi lãi suất quá thấp, qua đó khiến các chính sách kiềm chế lạm phát của chính phủ bị xói mòn, đồng thời tác động đến tăng trưởng kinh tế.
“Trong hàng nghìn năm nay, khi chính phủ nâng lãi suất thì các ngân hàng rất nhanh chóng chuyển sự tác động này sang phía doanh nghiệp đi vay, nhưng họ lại rất chậm nâng lãi suất tiền gửi”, giám đốc đầu tư Hugh Dive của Atlas Funds Management ngán ngẩm.
Theo ông Dive, ngân hàng đã quá dư thừa tiền mặt sau mùa dịch khi người dân đổ xô đi gửi tiết kiệm nên giờ đây họ chẳng vội gì mà tăng lãi suất tiền gửi.
Tại Mỹ, một số ngân hàng đã phải nâng lãi suất mạnh trước những chỉ trích từ dư luận và chính trị gia. Ngân hàng Goldman Sachs đã tăng lãi suất tiền gửi từ 0,5% năm ngoái lên 3,75% hiện nay. Ngân hàng Barclays và Ally Bank cũng nâng lãi suất lên tương ứng 3,6% và 3,4%. Tuy nhiên nếu tính bình quân, lãi suất tiền gửi tại Mỹ vẫn chỉ ở mức 0,35%.
Tại Tây Ban Nha, chính phủ đã quyết định ban hành mức thuế chênh lệch lãi suất với ngành ngân hàng, qua đó ước tính thu về khoảng 3 tỷ Euro, tương đương 3,2 tỷ USD trong 2 năm.
“Các ngân hàng thương mại có thể tận hưởng lợi nhuận chênh lệch khi lãi suất tăng hiện nay nhưng họ sẽ mất đi khá nhiều khách hàng gửi tiền trong tương lai”, giảng viên tài chính Angela Gallo của trường Bayes Business School tại London cảnh báo.