Sau gần 9 tháng khởi công, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP.HCM đạt 32%, vượt tiến độ so với kế hoạch kỳ vọng. Dự án có tổng chiều dài 8,22 km, với 6,3 km qua tỉnh Đồng Nai và 1,92 km qua TP.HCM.
Dự án này gồm hai gói thầu là CW1 xây cầu Nhơn Trạch dài 2,6 km, và gói CW2 là đường dẫn. Tuy nhiên, trong phần cầu chính và phần đường dẫn phía TP.HCM đã rút ngắn tiến độ được 4 tháng, phần cầu phía Đồng Nai lại "chưa động tĩnh".
Điểm cuối cầu Nhơn Trạch giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành chưa có dấu hiệu thi công do nhà thầu đang chờ nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương.
Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT - chủ đầu tư) cho biết hiện phần mặt bằng phía Đồng Nai chưa được bàn giao, đơn vị phải vận động các hộ dân nhường một phần diện tích tập kết máy móc, thiết bị, vật tư để thi công trước tại khu vực tim tuyến dự án.
Theo nhà thầu chính Kumho (Hàn Quốc), công tác bàn giao mặt bằng phía Đồng Nai đang chậm khoảng 6 tháng. Và nếu mặt bằng tiếp tục được bàn giao chậm hơn mốc tháng 6 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công chung của gói thầu cũng như tiến độ đưa vào khai thác cầu Nhơn Trạch.
Hồi đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát tại dự án và yêu cầu nhà thầu đáp ứng tiến độ nhanh hơn 3-4 tháng so với hợp đồng. Sau 8 tháng khởi công, đơn vị đã tận dụng phần mặt bằng được giao để dồn lực thi công. Nhà thầu bố trí ca trực làm việc ngày lẫn đêm, không nghỉ cuối tuần, lễ, Tết.
Ông Cho Byeong Hwan, Giám đốc dự án gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch (Công ty Kumho engineering & contruction), cho biết nhà thầu mong muốn được bàn giao càng sớm càng tốt phần mặt bằng còn lại của Đồng Nai để đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình đồng thời. Riêng mặt bằng phía TP.HCM đã được bàn giao 100%, nhà thầu cũng đảm bảo thi công vượt tiến độ 4 tháng.
Đây là một công đoạn trong thi công cọc khoan nhồi làm móng cầu. Công nhân hàn nhiều đoạn lồng thép nối với nhau. Sau khi gia công, các lồng thép được cẩu ra khu vực thi công để thả vào bệ cọc, đổ bê tông.
Các bệ cọc được cắm sâu dưới lòng sông hơn 80 m, đường kính 2 m. Cầu Nhơn Trạch sẽ có 5 trụ chính, mỗi trụ 20 cọc.
Cầu Nhơn Trạch có 39 trụ và 2 mố cầu, sau 8 tháng thực hiện, nhiều thân trụ cầu đã thành hình. Trước đó, nhà thầu cần xử lý nền đất yếu, dễ xảy ra sạt lở tại khu vực để thi công. "Cầu Nhơn Trạch là đoạn có tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và cũng là một trong những đoạn quan trọng nhất của vành đai 3", đại diện PMU Mỹ Thuận nói.
Công trường cầu Nhơn Trạch hiện duy trì hơn 230 công nhân, kỹ sư mỗi ngày, làm việc 24/7. Trong ảnh, công nhân hàn xì cắt các thanh thép ống trụ.
Theo đại diện PMU Mỹ Thuận, dù chưa có đủ mặt bằng, chủ đầu tư cũng yêu cầu các nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu phải tập trung triển khai thi công đến đó, tranh thủ "từng chút một". Hiện dự án vướng mặt bằng từ km10 đến km+800, cụ thể gói thầu 1 còn thiếu 600/1300 m, còn gói thầu 2 chỉ mới được bàn giao 640/5000 m.
Ngoài khu vực tập kết máy móc, các hộ dân trong diện giải tỏa làm dự án vẫn chưa di dời do chưa hoàn tất thủ tục đền bù, đơn giá với địa phương. Trong ảnh là vùng nước thuộc trụ cầu P12-P13, đoạn xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai được vận động tập kết thiết bị, máy móc tạm.
Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đến Bình Dương và TP.HCM. Tuyến đường còn kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.
Hướng tuyến vành đai 3 và cầu Nhơn Trạch. Đồ họa: Minh Trí.